Cách đây vài năm, một anh bạn của tôi vốn rất khỏe mạnh phải nhập viện. Nguyên nhân là do anh hít phải khói xăng đen ngòm của một chiếc xe tải khi đang dừng đèn đỏ vào giờ cao điểm.
Cách đây vài năm, một anh bạn của tôi vốn rất khỏe mạnh phải nhập viện. Nguyên nhân là do anh hít phải khói xăng đen ngòm của một chiếc xe tải khi đang dừng đèn đỏ vào giờ cao điểm.
Xây xẩm mặt mày, anh cố gắng chạy xe máy về đến nhà thì thấy có triệu chứng khó thở. Còn may mắn là hôm đó một người thân của anh vẫn đang ở nhà. Anh nhanh chóng được chở bằng taxi lên bệnh viện để cứu chữa. Nằm viện vài ngày thì sức khỏe anh dần ổn định. Hôm tôi lên thăm anh ở bệnh viện, anh chặc lưỡi: “Giá mà lúc đó anh mang khẩu trang thì anh không hít phải mấy thứ độc địa đó”. Trên thực tế, lúc đó, hầu như mọi người khi đi ra đường ít ai đeo khẩu trang vì nhiều người cho rằng khi mang nó sẽ có cảm giác ngột ngạt, khó chịu... dù ai cũng rõ tác dụng của khẩu trang là cản khói, bụi bẩn, vi khuẩn và các loại vi rút độc hại.
Thời gian gần đây, vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên việc mang khẩu trang khi ra đường của người dân Việt Nam đã trở thành trách nhiệm. Và bên cạnh một số câu chuyện buồn như có những cơ sở kinh doanh tăng giá khẩu trang thì việc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tặng khẩu trang cho người dân đã mang một ý nghĩa tích cực trong việc phòng ngừa bệnh dịch.
Trên thực tế, dịch COVID-19 trên thế giới lây lan nhanh như hiện nay có nguyên nhân từ việc chính quyền ít quan tâm đến việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để chống dịch bệnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã chịu đeo khẩu trang khi đến thăm các quân nhân bị thương tại Trung tâm Y tế quân đội quốc gia Walter Reed hôm 11/7. Tính tới ngày 1/8, Mỹ có tổng cộng 4,7 triệu ca nhiễm và hơn 150 ngàn người tử vong vì dịch bệnh này.
Tuy nhiên, để phòng chống dịch hiệu quả, tại các nước Châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã có chính sách phân phối khẩu trang cho người dân. Đài Loan và Thái Lan cấm xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên đáp ứng nhu cầu phòng dịch trong nước. Bởi thế, số ca nhiễm của các nước này hiện không tăng nhanh như ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, những nước được xem là tâm điểm dịch COVID-19 của thế giới hiện nay.
Thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc sử dụng khẩu trang để việc phòng dịch COVID-19 hiệu quả hơn. Và trên thực tế, không những ngăn SARS-CoV-2 gây bệnh dịch nguy hiểm này, “lưới phòng hộ” này còn cản khói, bụi bẩn, vi khuẩn và các loại vi rút độc hại khác… khiến cơ thể con người được bảo vệ tốt hơn. Bởi thế, có thể nhận định, đây thật là một việc làm dễ mà có đến trăm điều lợi.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin