Một quyết định đúng

06:07, 09/07/2020

Viết bài này, tôi chợt nhớ cách đây chừng 4 năm, tại trụ sở doanh nghiệp do anh bạn tôi làm giám đốc xảy ra sự việc khiến mọi người trong công ty hết sức ngỡ ngàng

Viết bài này, tôi chợt nhớ cách đây chừng 4 năm, tại trụ sở doanh nghiệp do anh bạn tôi làm giám đốc xảy ra sự việc khiến mọi người trong công ty hết sức ngỡ ngàng. Đó là vào một buổi sáng đầu đông se lạnh, bỗng có chiếc xe jeep không trần chở chừng 5 thanh niên lực lưỡng và ngực, tay xăm trổ đỗ xịch trước cổng cơ quan.

Những người này trang phục rằn ri, quần 6 túi, đeo kính đen lừ lừ tiến vào văn phòng. Nhân viên bảo vệ ngăn lại hỏi lý do về sự có mặt của họ thì một người trong nhóm hất hàm, buông giọng hách dịch: “Chúng tôi là nhân viên của chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ X. đến gặp giám đốc công ty để lấy nợ. Giám đốc đâu?”

Trước sự hùng hổ, hung hăng của nhóm người lạ, bảo vệ công ty liền cấp báo Cảnh sát 113 và công an địa phương đến can thiệp và làm rõ bản chất vụ việc

Hóa ra, công ty của anh bạn ký kết làm ăn với một đơn vị và để đảm bảo cho tiến độ, chất lượng công trình, công ty tạm thời gác lại 1,2 tỷ đồng chờ nghiệm thu mới trả hết. Chẳng hiểu thế nào mà đơn vị nọ lại dùng bàn tay của một doanh nghiệp đòi nợ để lấy tiền trong khi họ chưa hoàn thành các cam kết.

Sở dĩ kể chuyện trên bởi Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Lần này, Luật Đầu tư có chỉnh sửa nhiều nội dung, trong đó tại khoản h, Điều 6 quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trước khi quyết định vấn đề này, đã có nhiều ý kiến khác nhau về sự tồn tại hay không tồn tại ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ? Và cuối cùng, Quốc hội đã xin ý kiến riêng bằng lá phiếu về loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ với tỷ lệ tán thành cấm nghề này rất cao rồi sau đó mới thông qua toàn bộ dự luật.

Với quyết định đó, chỉ còn chưa tới 6 tháng nữa, tức từ 1/1/2021, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành, đồng nghĩa với việc đóng cửa các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Thế là sau 13 năm, các dịch vụ kinh doanh đòi nợ ra đời theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ phải dừng hoạt động vì nhiều nguyên do mà cuộc sống không thể chấp nhận được.

Dịch vụ đòi nợ là một trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh mà hoạt động phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Trước đây, pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ này vì nó xuất phát từ yêu cầu của giao dịch dân sự theo hợp đồng, thỏa thuận của chủ nợ (tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ) với khách nợ (tổ chức kinh tế, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ).

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được đại diện cho chủ nợ thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp với pháp luật để khách nợ thực hiện trả nợ, nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo ủy quyền của chủ nợ.

Các biện pháp được phép trong hoạt động đòi nợ chỉ như thế, song thực tế không ít đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã để lại nỗi ám ảnh không chỉ đối với khách nợ mà còn chẳng đẹp đẽ gì trong ánh mắt của nhiều người khác.

Nhiều doanh nghiệp chỉ đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của người đứng đầu đơn vị để được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh rồi họ tuyển dụng đủ các thành phần phức tạp vào làm việc không đúng tiêu chuẩn quy định.

Hình như nhằm tăng thêm sức răn đe, dọa dẫm, có đơn vị chỉ sử dụng xe không trần, dùng những thanh niên có khuôn mặt dữ dằn, đi đứng khệnh khạng, ăn mặc khác lạ, tóc đinh, lè kè công cụ hỗ trợ giống như các băng nhóm giang hồ bụi bặm trong phim trinh thám, hình sự để đòi nợ.

Tuy các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đòi nợ như sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, song thỉnh thoảng vẫn diễn ra, gây bất bình trong nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân- Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội- cho rằng: “Trong thời gian qua đa số dịch vụ đòi nợ đều cấu kết với băng nhóm xã hội đen để hành nghề”.

Chính vì vậy nên rất ít người gọi đúng cái tên được pháp luật bảo hộ là “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” mà thường gọi “đòi nợ thuê”, đánh đồng với các băng nhóm tội phạm đòi nợ theo kiểu cho vay nặng lãi. Chúng ta không đồng tình với cách gọi cào bằng này nhưng cũng phải nhận thấy một số khiếm khuyết, bất cập và Quốc hội đã không cho phép tồn tại nữa là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Như vậy, đến hết năm nay, các chủ nợ, khách nợ sẽ trở lại việc thỏa thuận, hòa giải, cam kết trong việc đòi nợ và trả nợ. Nếu các biện pháp ấy không được tuân thủ một cách sòng phẳng thì tòa án sẽ xét xử và đơn vị thực hiện thu hồi nợ là cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

THÁI MỸ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh