Xin đừng vội chặt phá cây xanh

12:06, 03/06/2020

Việc đốn hạ, chặt cành cây trụi lủi như vậy nhằm đảm bảo sự an toàn cho tính mạng của học sinh và người dân, có thể không sai, nhưng phương cách này không hoàn toàn đúng, bởi như chúng ta thấy, cây xanh được trồng lên để tạo cảnh quan, bóng mát và điều hòa dưỡng khí. 

Sau vụ cây phượng vĩ tại Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) bật gốc đè tử vong 1 học sinh và làm 12 em khác bị thương vào ngày 26/5/2020; và tiếp sau đó là một cây phượng vĩ cổ thụ khác trong khuôn viên một trường CĐ ở Tây Nguyên cũng bị ngã đổ vào sáng 28/5/2020 nên đã, đang xuất hiện tình trạng đốn hạ hoặc chặt cây xanh trụi lủi trong trường học nói riêng, cũng như trên các tuyến đường phố nói chung nhằm bảo đảm mục đích an toàn.

Việc đốn hạ, chặt cành cây trụi lủi như vậy nhằm đảm bảo sự an toàn cho tính mạng của học sinh và người dân, có thể không sai, nhưng phương cách này không hoàn toàn đúng, bởi như chúng ta thấy, cây xanh được trồng lên để tạo cảnh quan, bóng mát và điều hòa dưỡng khí.

Một khi không có cây xanh, hoặc những cái cây xanh kia bị “gội” sạch sẽ cành, thì nó chẳng khác nào một cây… cột điện, lúc đó tác dụng tạo bóng mát, cũng như điều hòa dưỡng khí sẽ không còn có tác dụng gì nữa!

Đúng là trong khoảng thời gian này, không riêng gì ở TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk- các địa phương vừa có 2 cây phượng vĩ bị ngã đổ; qua thông tin từ báo chí, cùng các phương tiện truyền thông, tôi được biết tại rất nhiều tỉnh- thành khác, việc đốn hạ cành cây và chặt phá luôn cả những cây xanh, nhất là những cây cổ thụ thiếu sự chắc chắn an toàn, đang được tiến hành đồng loạt.

Đúng là tính mạng con người quan trọng hơn cả, và việc đảm bảo sự an toàn cho con người trước tình trạng gãy đổ cây xanh là điều chúng ta phải luôn nghĩ tới, phải làm một cách thường xuyên.

Thế nhưng, theo tôi, và tôi nghĩ sẽ nhiều người có cùng quan điểm như mình, đó là trước khi ra quân đồng loạt để đốn hạ cành, chặt bỏ cây xanh, cơ quan chức năng tại các địa phương nên rà soát, nghiên cứu xem cây nào nên đốn cành, cây nào không nên.

Với phương án chặt bỏ hoàn toàn một cây xanh nào đó, thì cũng cần phải tính đến xem cây xanh đó có còn tác dụng, và sự an toàn có còn được đảm bảo. Nếu một khi cây xanh đó thực sự nguy hiểm, chực chờ đe dọa tới tính mạng con người thì việc mé nhánh, thậm chí chặt hạ sẽ không có gì phải bàn cãi.

Đúng là trong lúc này, phương án “gội” cành, chặt bỏ cây xanh có nguy cơ ngã đổ đã là phương án được cho là “khả thi” nhất. Việc tiến hành chặt cành, phá bỏ một cây xanh sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng chúng ta biết rằng để trồng được một cây xanh có bóng mát, nhất là những cây cổ thụ thì phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Thế nên, trước khi đốn, chặt hạ phải tính toán thật kỹ.

Theo tôi, có một phương án tốt hơn rất nhiều để cây xanh sống chắc chắn, an toàn với con người, mà chúng ta ít nghĩ tới, đó là: gia cố, chằng chống! Vâng, tôi đã từng đi Trung Quốc, Nhật Bản, và một số nước Châu Âu khác…, thì thấy ở đó họ giữ an toàn, chống ngã đổ cho cây xanh một cách tuyệt vời, khi những cây cổ thụ to lớn đều có vòng đai thép lớn quanh thân, kèm theo đó là các trụ ống thép lớn cắm xuống quanh gốc theo kiểu như… kiềng 3 chân vô cùng chắc chắn, vững chãi! Một khi cây xanh đã được gia cố về sự an toàn như vậy thì nó có thể chống chọi được không chỉ với gió lớn, mà thậm chí bão cấp thấp nó cũng vẫn đứng vững.

Thực tế theo như tôi thấy thì ở nước ta có một số địa điểm như: bảo tàng, chùa chiền, đền, miếu, phủ, công viên… ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…, người ta cũng có chằng chống cây xanh cổ thụ bằng phương pháp dùng đai sắt bao quanh thân, kèm trụ ống thép.

Do phương cách đảm bảo sự an toàn, chống ngã đổ cho cây xanh theo kiểu này là khá tốn kém, đắt đỏ, nên hầu như mới chỉ có những cây cổ thụ thuộc dạng… di tích và rất quý hiếm mới được “đầu tư” gìn giữ, còn những cây xanh tại đường phố, cũng như các địa điểm khác ít được chú trọng.

Để cây xanh luôn tỏa bóng mát, tạo cảnh quan và môi trường sống trong lành, thiết nghĩ chúng ta đừng nên vội quy kết “cây xanh có tội”, mà chỉ nên “cắt gội” những cành cây giòn, dễ gãy, hoặc phá bỏ những cây có khả năng ngã đổ cao (có thể đang bị mối mọt, nghiêng). Làm sao đấy để gia cố cho cây xanh sống chắc chắn, an toàn, không đe dọa tới tính mạng con người là phương cách chúng ta cần phải tính đến.

Ngoài việc gia cố, đảm bảo sự chắc chắn an toàn cho cây xanh, để chúng không bị ngã đổ, chúng ta cũng nên có phương án cụ thể, rõ ràng trước khi trồng một loại cây xanh nào đó làm bóng mát sao cho có ích lợi nhất, bởi đặc trưng của mỗi loại là không giống nhau, khi có loại cây nhiều bóng mát, đẹp, mang rễ chùm mọc ngang trên mặt đất nhưng lại rất dễ ngã đổ; trong khi nhiều loại cây có bộ rễ cọc bám sâu thẳng xuống lòng đất nên sẽ khó ngã đổ trước gió bão, nhưng chúng lại ít cành, không nhiều bóng mát...

NGUYỄN THỊ LOAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh