Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe máy để tụ tập lạng lách, đua xe có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương.
Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe máy để tụ tập lạng lách, đua xe có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương.
Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, làm nguy hiểm cho xã hội khiến cho người dân sống hoặc di chuyển trên các tuyến đường thường xuyên có đua xe hết sức bức xúc.
Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên ra quân trấn áp, ngăn chặn nhưng những đối tượng này hết sức manh động, có hành vi chống đối và sẵn sàng lao xe vào lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ.
Chính vì vậy thời gian qua, đã có nhiều cảnh sát khi đi làm nhiệm vụ ngăn chặn nạn đua xe, lạng lách đã bị thương hoặc hy sinh do các đối tượng này cố tình tông xe vào nhằm thoát khỏi sự truy đuổi.
Có thể nói, hầu hết các đối tượng tham gia đua xe, lạng lách có độ tuổi là thanh thiếu niên với đủ thành phần từ thành phần lêu lổng, bỏ học đến học sinh, sinh viên; nhà có hoàn cảnh khó khăn đến công tử con đại gia- thậm chí là con quan chức,…
Tất cả đều nhận thức được đua xe là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho bản thân mình và người khác nếu xảy ra tai nạn nhưng vì máu “yên hùng”, muốn thể hiện sự chịu chơi, từng trải nên sẵn sàng tham gia các hội, nhóm để “đi bão” bất cứ lúc nào.
Để tham gia đua xe máy trái phép thì điều đầu tiên phải có xe và xe đã “độ” cho mạnh, cho ngầu mới đủ khả năng chinh phục đường đua.
Đặc biệt những chiếc xe này thường bị gắn biển số giả hoặc bẻ cong, gắn nơi khó nhìn nhằm để lực lượng chức năng khó xác định tung tích khi truy tìm.
Tình trạng đua xe trái phép còn tồn tại dai dẳng và bùng phát mạnh thời gian qua là do các quy định về xử lý vi phạm này còn nhẹ tay, bởi theo Điều 34 Nghị định 100/2019, nếu đua mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép, thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3- 5 tháng và tịch thu phương tiện.
Hành vi đua xe nguy hiểm như vậy nhưng chỉ bị xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe. Còn việc xử lý hình sự chỉ thực hiện khi gây hậu quả thương tích cho người khác nên các đối tượng có máu đua xe “nhờn luật”, không biết sợ.
Để hạn chế việc đua xe trái phép như hiện nay, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để xử lý, cần có sự điều chỉnh văn bản luật là phải xử lý hình sự mọi hành vi đua xe trái phép, tăng nặng mức xử phạt tiền,…
Đồng thời các gia đình cần có biện pháp quản lý con em mình bằng cách không cho các em đua đòi mua xe phân khối quá lớn, có dấu hiệu sử dụng xe không đúng cách như độ xe, gắn biển số không rõ ràng,… nhằm tự bảo vệ sức khỏe tính mạng con em mình cũng như của cộng đồng.
VĂN THI HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin