"Sống chậm" để trân quý hơn

10:04, 01/04/2020

Mấy hôm nay "Group gia đình" trên Zalo của tôi ngoài việc chia sẻ cho nhau những thông tin nóng, mới về tình hình dịch bệnh; những hướng dẫn, tuyên truyền của ngành y tế; chỉ thị, công văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng mà ta cần phải nghiêm túc thực hiện để phòng, chống dịch bệnh thì bên cạnh đó còn có những hình ảnh bắt mắt, biến tấu của những món ăn quen thuộc, những thức uống mát lành cần bổ sung cho cả nhà để tăng sức đề kháng trong lúc đang xảy ra dịch bệnh.

Mấy hôm nay “Group gia đình” trên Zalo của tôi ngoài việc chia sẻ cho nhau những thông tin nóng, mới về tình hình dịch bệnh; những hướng dẫn, tuyên truyền của ngành y tế; chỉ thị, công văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng mà ta cần phải nghiêm túc thực hiện để phòng, chống dịch bệnh thì bên cạnh đó còn có những hình ảnh bắt mắt, biến tấu của những món ăn quen thuộc, những thức uống mát lành cần bổ sung cho cả nhà để tăng sức đề kháng trong lúc đang xảy ra dịch bệnh.

Chăm sóc sức khỏe, vệ sinh nhà cửa cũng là cách hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Thay vì cứ suy nghĩ mà bức bối, khó chịu với những đảo lộn của cuộc sống ngày thường bởi dịch bệnh thì ta hãy chấp nhận và tìm cho mình một phương cách tốt nhất để có thể “thoải mái hơn” trong lúc này.

Hàng quán đóng cửa thì ta có thể nấu ăn tại nhà. Hạn chế ra đường khi không cần thiết thì ta có thể ra chợ một giờ để ăn một tuần. Tốt hơn nữa thì cứ gọi cửa hàng lương thực, thực phẩm, siêu thị mang đơn hàng của mình đến giao tận nhà.

Theo tôi, chuyện thức ăn, nước uống trong những tuần “nhà ai cần ở yên đấy” như lúc này là điều không quá khó khăn. Vấn đề là ta phải làm cho ta “thoải mái ngay chính trong căn nhà của mình”.

Chị Nguyễn Thúy Liễu (ngụ Phường 9- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Từ khi học sinh được nghỉ học để phòng lây lan dịch bệnh, chị không còn bị “áp lực” về thời gian chuẩn bị bữa sáng để kịp giờ cho 2 con đến trường. Con thì được dậy trễ hơn ngày thường một chút.

Mẹ thì có thời gian hơn để chăm chút bữa sáng cho cả nhà, chẳng những ngon mà còn đẹp mắt. Mỗi tối, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, anh chị cùng 2 con mang khẩu trang vào đi bộ nhẹ nhàng quanh khu nhà ở.

Cuộc sống mà hạn chế ra đường, không đi siêu thị, mua sắm, cà phê chuyện vãn với bạn bè,… lâu ngày cũng buồn tẻ.

Nhưng mấy tuần theo khuyến cáo của ngành chức năng thì nhà chị thấy chẳng có vấn đề gì. Con cái cũng đã lớn, đã có thể tự ý thức ôn luyện bài vở tại nhà.

Chồng thì không bỏ thời gian nhậu nhẹt với bạn bè nữa. Mấy tuần nay, hết giờ làm là anh chạy thẳng về nhà phụ vợ cơm nước, chăm sóc cây kiểng, trồng rau. Mình phải thích nghi thôi! Tinh thần thoải mái mới không dễ bị bệnh tật”.

Bất cứ ai có việc phải ra đường lúc này đều cảm nhận được không khí “vắng còn hơn tết”. Học sinh nghỉ học, hàng quán đóng cửa, người người vội vã đến sở làm, vội vã chạy về nhà.

Gặp nhau dù đeo khẩu trang nhưng ai cũng hạn chế thăm hỏi, chuyện vãn cùng nhau. Nhiều người cho rằng cuộc sống của chúng ta đang “chậm” lại. Đúng!

Thời điểm này- thời điểm đang có dịch- chúng ta cần phải... “sống chậm”. Nhưng “sống chậm” không có nghĩa là trì trệ. Chúng ta vẫn phải làm việc: làm việc trong điều kiện an toàn (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cơ quan, không hội họp đông người, làm việc tại nhà, họp trực tuyến,…).

Dù rất khó khăn, nhưng chính thời gian này là cơ hội để ta hiểu rõ và trân trọng hơn những giá trị quý giá mà cuộc sống đã mang lại. Vì thế, trước thực tế buộc phải chấp nhận “sống chậm” nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt để sẵn sàng tăng tốc sau khi đẩy lùi được dịch bệnh.

NHƯ Ý

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh