Mua bán "thích nghi" lúc dịch bệnh

07:03, 19/03/2020

Dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới đã tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới đã tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thậm chí đến những người bán hàng rong, “mua gánh, bán bưng”, những xe đẩy trên vỉa hè cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Không ít chỗ trước đây mua bán “sống được” nay thưa hẳn khách ghé vào, thậm chí nhiều người vì buôn bán ế ẩm “không cầm cự nổi” đành “bỏ chỗ”.

Trước thực trạng trên, để tồn tại, một số người đã linh hoạt chuyển sang phương thức mua bán… hiện đại. Như sáng nay, khi tôi tạt vào xe bánh mì mà mình hay mua ủng hộ trên đường đến sở làm, chị bán bánh mì liền xởi lởi.

Chị vừa dồn bánh mì cho tôi, vừa cố nói to hơn mọi ngày vì sợ chiếc khẩu trang y tế làm tôi không nghe rõ lời của chị: “Mấy hôm nay, không thấy cưng ghé ủng hộ chị!”

Chưa đợi tôi trả lời chị liền nói tiếp: “Dịch bệnh hạn chế ra đường phải hông? Lưu số điện thoại chị đi, chỉ cần alo, mấy ổ chị cũng giao. Ghé mua thì 10 ngàn, giao thì 12 ngàn. Sẵn chồng chị chạy xe ôm nên phụ chị luôn. Hổm rày, nhờ vậy mà chị bán cũng được. Kệ! Lời ít hơn một chút còn hơn phải nghỉ bán vì ế ẩm.

Dịch bệnh, ai cũng buôn bán khó khăn hết. Nhiều người trong chợ bỏ chỗ luôn rồi”. Không riêng gì chị bán bánh mì, hiện nay khi đi chợ nếu người mua ngỏ ý muốn mua rau, cá “bằng điện thoại” người bán cũng sẽ vui vẻ nhận lời. Theo đó, bạn chỉ cần báo tên cá, loại rau, trọng lượng là đến giờ ghé vào lấy, gửi tiền đi ngay hoặc chỉ cần đến đầu chợ bấm gọi là người bán mang ra giao. Có người còn giao tận nhà cho khách quen ủng hộ thường xuyên.

Thực tế, việc mua bán hàng hóa không cần đến trực tiếp không phải là chuyện lạ lẫm gì. Nhưng, từ khi dịch COVID- 19 bùng phát và lây lan thì hình thức mua bán này “nở rộ”.

Những ngày vừa qua, để tiêu thụ hàng hóa, từ các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, quán cà phê đến cả những người buôn bán nhỏ lẻ đang đẩy mạnh phương thức kinh doanh này thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website, thậm chí gọi điện tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, rồi sau đó nhân viên, người bán hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.

Theo tôi, trong lúc dịch bệnh đang lây lan và diễn biến phức tạp như hiện nay thì người tiêu dùng nên tận dụng phương thức mua hàng này. Chỉ cần gọi điện; lướt, xem và chọn là chúng ta đã có thể mua được những mặt hàng mình cần vừa nhanh chóng, tiện lợi mà không cần phải đến nơi đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan như ngành y tế đang khuyến cáo.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người tiêu dùng nên mua hàng ở những nơi quen biết, uy tín, những trang web có thông tin liên lạc rõ ràng như có địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... Bởi vì, không ít cá nhân đã lợi dụng kênh bán hàng này để tiêu thụ hàng kém chất lượng, không đúng như yêu cầu của người mua.

Bên cạnh đó, người bán hàng cần phải lấy chất lượng và uy tín đặt lên hàng đầu. Trong lúc ai cũng buôn bán khó khăn việc thu hút và giữ chân được khách hàng là điều quan trọng nhất. Để thu hút khách hàng ai cũng có quyền quảng cáo nhưng để giữ chân được khách hàng thì không gì khác hơn là uy tín và chất lượng của sản phẩm.

NHƯ Ý

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh