Giảm thiểu tác hại của rượu bia đối với cơ thể

05:01, 07/01/2020

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực vào ngày 1/1/2020 thì các hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (kể cả đi xe đạp) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm và bị phạt rất nặng.

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực vào ngày 1/1/2020 thì các hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (kể cả đi xe đạp) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm và bị phạt rất nặng.

Để không gặp phải các phiền phức liên quan đến các quy định của luật nói trên khi đi giao tiếp hay dự tiệc tùng mà tự điều khiển các phương tiện giao thông, chúng ta cần phải biết: sau khi uống rượu bia 6-12 giờ, nồng độ cồn vẫn còn đo được trong máu; sau 12- 24 giờ, nồng độ cồn vẫn còn đo được trong khí thở; sau 36 giờ vẫn còn đo được trong nước tiểu và sau 72 giờ vẫn còn khi xét nghiệm máu. Vì vậy, một người đã uống rượu bia sau 24 giờ khi lái các phương tiện giao thông đường bộ vẫn bị cảnh sát giao thông phát hiện qua kiểm tra nồng độ cồn bằng phương pháp ống thở.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất trong dung dịch uống, tức bằng 3/4 lon bia 330ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330ml (4%) hay 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) và cũng tương đương 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Để hóa giải 1 đơn vị cồn đã vào cơ thể một người khỏe mạnh cần đến 1 giờ tiếp theo, nhưng đồng thời còn phải cần 1- 2 giờ nữa mới thải hết, còn người sức khỏe yếu thì thời gian này lâu hơn. Một nam giới có lá gan khỏe mạnh cũng chỉ có thể thải 2 đơn vị cồn/ngày, còn phụ nữ thì ít hơn chỉ 1 đơn vị cồn/ngày.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng: Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết, không có con số chính xác cho một con người là uống rượu bia bao nhiêu và bao lâu mới được lái xe hay uống bao lâu rượu bia mới hết trong cơ thể một người, vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cơ địa của từng người. Cũng theo bà, rượu bia là nguyên nhân của hơn 32% vụ tai nạn giao thông do nam giới và gần 20% do nữ giới. Từ đó, một người khi đã uống rượu bia thì không nên lái xe và cần có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ trước khi lái xe.

Cũng có người lo lắng là khi ăn một số loại trái cây hay thực phẩm cũng phát sinh hơi cồn (ethanol), tuy nhiên độ cồn này rất thấp nên chỉ sau 15- 20 phút là không còn trong cơ thể người sử dụng. Cùng với đó, quy trình kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng cũng rất chính xác.

Trong dân gian có nhiều cách giúp cơ thể thải cồn nhanh: uống 1 ly trà nóng với 60g gừng lát mỏng. Ăn 1- 2 chén cháo trắng nóng hay nước cơm với một ít muối. Uống một ly nước cam có một ít mật ong càng tốt. Đơn giản nhất là uống nhiều nước lọc để pha loãng nồng độ cồn trong máu. Điều cần nhớ khi đã uống rượi bia không nên uống thêm nước ngọt hay nước tăng lực vì sẽ làm tăng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non làm tăng ngộ độc cơ thể.

Với nồng độ cồn từ 0,25- 0,4 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền và bị giữ giấy phép lái xe. Mức phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô từ 30- 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng; đối với người điều khiển mô tô từ 6- 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000- 600.000đ.

 

NGUYỄN VĂN Ý

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh