Ở phố cũng cần "tình làng nghĩa xóm"

04:11, 19/11/2019

Cuối tuần qua, "xóm" tôi vui rộn ràng. Mấy chị em tụ họp vào bếp chung tay lặt rau, nấu nướng. Cánh đàn ông thấy thế cũng sắp xếp thì giờ ngồi cùng nhau khề khà ly trà nóng trước khi vào tiệc mỗi người một vài lon bia. 

Cuối tuần qua, “xóm” tôi vui rộn ràng. Mấy chị em tụ họp vào bếp chung tay lặt rau, nấu nướng. Cánh đàn ông thấy thế cũng sắp xếp thì giờ ngồi cùng nhau khề khà ly trà nóng trước khi vào tiệc mỗi người một vài lon bia. Vui nhất là đám trẻ nhỏ vừa được ăn, được chơi lại được “khám phá” căn nhà rộng, đẹp mà khoảng 2 tháng nay chỉ dám núp ló nơi cửa rào.

Chuyện là, từ khi căn nhà này bắt đầu xây dựng cho đến hoàn thành luôn là dấu hỏi lớn với những người xung quanh. Chỉ một vài người biết đại khái là nhà của đôi vợ chồng trẻ sáng, chiều 2 lượt đến sở làm, thời gian còn lại cửa rào luôn khép, không giao tiếp hay chuyện vãn cùng ai.

Trưa hôm đó, em trai hớt hãi gọi cửa nhà chú Sáu kề bên hỏi: “Nãy giờ chú có thấy ai lấy mất xe của con không?” Biết là có chuyện không hay, không vội hỏi nguồn cơ cớ sự, chú Sáu nhanh nhẹn nắm tay em trai sang nhà đối diện nhờ xem lại camera. Chẳng những không tính toán hay nhỏ nhen, ích kỷ, sau khi xem được đoạn phim có ghi hình ảnh thủ phạm, anh chủ nhà liền chở em trai đến trình báo công an. Rất may, tài sản đã thu hồi lại được.

Theo nhịp sống hối hả, người ở phố thường phải “căng mình” để làm việc, lao động và kiếm sống. Khi trở về với mái ấm gia đình, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, chăm sóc người thân, con cái... Chính vì thế mà có không ít người trở nên sống khép kín, hàng xóm ít thăm hỏi lẫn nhau.

Thế nhưng, trong cuộc sống không ai có thể lường trước được những điều không may có thể xảy ra với mình như: nước ngập nhà cửa, hỏa hoạn, trộm cướp, tai nạn,… Nếu chỉ một gia đình thì khó có thể giải quyết được. Đó là mặt cần của “tình làng nghĩa xóm” ở phố.

“Tình làng nghĩa xóm” là nét đẹp truyền thống trong lối sống của cha ông ta từ bao đời, thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhiều người cho rằng “tình làng nghĩa xóm” chỉ thể hiện rõ nét ở nông thôn, còn ở thành thị thì không bằng. Theo tôi chưa hẳn vậy!

Thật ra, ở thành mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng có những biểu hiện khác với nông thôn. Từ con đường, ngõ hẻm đến từng ống dẫn nước, đường dây tải điện, bồn hoa, cây cảnh... đều đòi hỏi con người phải có những hành vi ứng xử mang tính cộng đồng.

Chỉ cần một vài người lấn chiếm vỉa hè là đường phố mất mỹ quan; một ai đó không giữ gìn vệ sinh chung là khu phố sẽ kém văn minh hay một nhà không cẩn thận gây ra cháy hậu quả là có thể cháy lan cả dãy phố... Nên phải khẳng định rằng: Phố cũng có và cần phải có “tình làng nghĩa xóm”!

Có thể công việc, gia đình, con cái “ngốn” gần hết thời gian của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải dành một ít để xây dựng “tình làng nghĩa xóm”. Một đô thị văn hóa, một khu phố văn minh khi ở đó “tình làng nghĩa xóm” được phát huy.

NHƯ Ý

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh