Lời nói thể hiện đạo đức nhân cách

09:09, 06/09/2019

Trong cuộc sống đối nhân xử thế ở đời, lời nói vô cùng quan trọng, nó là công cụ để con người giao tiếp với nhau. Người xưa có câu: "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". 

Trong cuộc sống đối nhân xử thế ở đời, lời nói vô cùng quan trọng, nó là công cụ để con người giao tiếp với nhau. Người xưa có câu: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Vậy tại sao ta lại không nói với nhau những lời tử tế với một tình cảm quý trọng mà phải dùng những lời nói thô bỉ, khó nghe để mạt sát nhau cho hả cơn tức giận?

Trong giao tiếp, ứng xử với nhau hàng ngày, lời nói thường xuất phát từ tâm và từ suy nghĩ mà ra. Vậy nên, nếu ai đó miệng luôn nói những lời không tốt, nói lời thị phi, độc ác, thì chính họ đã làm tổn hại đến thanh danh và nhân cách, đạo đức của chính bản thân mình. Người xưa đã đúc kết “Một lời nói, một đọi máu”.

Vì thế khi giao tiếp với mọi người, trước khi nói ra lời nói phải uốn lưỡi 9 lần để khỏi làm mất lòng người khác. Lời nói dùng để biểu đạt cảm xúc, là công cụ để biểu hiện tình cảm, nếu nói không cẩn thận rất dễ xúc phạm đến người khác và sẽ làm tổn hại đến danh dự, gây phiền não không đáng có cho người khác.

Người xưa có câu: “Nhất ngôn chiết tận bình sinh phúc” tức là, một câu nói có thể làm hao tổn phúc đức một đời. Cho nên, cẩn trọng khi nói chính là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Lời nói dịu dàng dễ nghe và có tác dụng làm cho người nghe cảm thấy yêu đời và phấn chấn hơn trong cuộc sống.

Thế nên, trong giao tiếp hàng ngày, mỗi khi nói cần phải biết cân nhắc và sàng lọc ngôn từ cẩn thận tránh sự hiểu nhầm không đáng có. Bất cứ việc gì chúng ta mới nhìn thấy chỉ là vẻ bề ngoài chứ chưa phải là thực chất, vậy nên đừng khẳng định mà hãy theo dõi quan sát rồi hãy nói.

Có những chuyện nếu ta biết nói vào lúc thích hợp, đúng thời điểm thì có thể biến nỗi buồn thành niềm vui, hóa giải hận thù thành tình bạn. Hãy thử nghĩ mà xem, lời nói mà không xuất phát từ thiện chí, sớm muộn gì cũng rước họa vào thân. Đừng nghe và tin vào lời nói trên mạng của những kẻ bán nước cầu vinh.

Bởi vì lời mà họ nói là của kẻ xấu phá hoại sự thành công của đất nước. Còn đối với chúng ta, tốt hơn hết không nên đem chuyện riêng tư của người khác ra bàn luận. Vì vậy, chúng ta trước khi muốn nói ra một chuyện gì đó hãy đặt cho mình những câu hỏi trước khi nói: “Điều mà mình nói có đúng là sự thật không?

Chuyện mà mình muốn kể là có thiện ý không? Chuyện mà mình muốn nói có phải là việc quan trọng không? Chúng ta không làm người đưa đẩy thị phi thì đương nhiên cũng đừng để bị người khác lợi dụng chúng ta làm người truyền bá thị phi. Lời đồn đại còn đáng sợ hơn dao kiếm, nó có thể làm sát thương người khác một cách vô hình.

Lời nói ra không chỉ phản ánh trí tuệ, nhân cách của một con người mà còn tích phúc đức hay làm tổn hại đạo đức của một người, cho nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần thận trọng từ lời nói đến việc làm.

VÕ HOÀNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh