Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn, tay chân có vết thương hở có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, nếu sinh hoạt hợp vệ sinh thì vi khuẩn này sẽ khó xâm nhập.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn, tay chân có vết thương hở có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, nếu sinh hoạt hợp vệ sinh thì vi khuẩn này sẽ khó xâm nhập.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở. Song, một số thông tin trên mạng gọi bệnh Whitmore là vi khuẩn “ăn thịt người”, gây hoang mang.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), thật ra vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn này hay gây tình trạng viêm nhiễm trùng da gây áp xe và viêm loét da chứ không “ăn thịt người”.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không chỉ gây nhiễm trùng da, mà còn gây viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết. Bệnh Whitmore chữa được nhưng lâu, tốn kém và dễ tái phát.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh như viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.
Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, việc điều trị sẽ không quá phức tạp, nếu phát hiện sớm một số triệu chứng sau đây: đau hoặc sưng cục bộ; sốt, loét, áp xe tại vị trí nhiễm trùng; đau đầu; co giật; đau ngực kèm ho; chán ăn; khó chịu ở bụng; đau dạ dày; sút cân...
Thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện này đang điều trị tích cực cho 3 bệnh nhi mắc bệnh đã có tiến triển tốt nhờ được điều trị đúng phác đồ.
Bộ Y tế Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh Whitmore và cách phòng ngừa nhằm tránh gây hoang mang và giảm khả năng lây lan. Để phòng tránh không chỉ bệnh Whitmore, mà còn rất nhiều căn bệnh khác, người dân cần “ăn chín, uống sôi” vì vi khuẩn Whitmore bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao và tia cực tím.
Vi khuẩn xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn: đây là con đường mắc bệnh thường gặp nhất, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở. Vết thương càng lớn và tiếp xúc càng lâu thì càng dễ mắc bệnh.
MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin