Cuối tuần rồi, tại một quán cà phê có cả phục vụ ăn sáng, tôi ngồi cạnh bàn nhóm 4 bạn nữ. Nhìn các bạn, tôi đoán độ 13- 14 tuổi.
Cuối tuần rồi, tại một quán cà phê có cả phục vụ ăn sáng, tôi ngồi cạnh bàn nhóm 4 bạn nữ. Nhìn các bạn, tôi đoán độ 13- 14 tuổi.
Bạn nào cũng thật xinh xắn, đáng yêu trong những bộ váy sặc sỡ, trẻ trung, điểm hồng hồng trên môi ít son dưỡng nhẹ nhàng. Tôi nghĩ thầm, cỡ tuổi các bạn cũng đã bắt đầu biết “điệu đà” rồi. Và, chắc sau một tuần học tập mệt mỏi các bạn được cha mẹ cho phép tụ họp ăn sáng, uống trà sữa.
Chuyện cũng là bình thường. Bởi, con gái thì phải biết chăm chút cho vẻ ngoài! Và, với áp lực học hành như hiện nay, theo tôi giới trẻ cần phải có những khoảng thời gian vui chơi như thế này để đầu óc được “giải lao” thì việc học tập tiếp theo mới đạt hiệu quả. Thế nhưng, “tận dụng” quỹ thời gian được cha mẹ “nới lỏng” này một số bạn lại tập tành những thói hư, tật xấu.
Sau cái nhìn đầy thiện cảm của tôi đối với nhóm bạn nữ thì liền đó là quá nhiều điều bất ngờ. Vừa gọi đồ ăn, nước uống xong, nhóm bắt đầu hào hứng bàn tán những câu chuyện đại loại là: “Lớp có thằng M. gửi thư tỏ tình con H. bị từ chối nên chẳng thèm học bài, làm bài tập, cả tuần chỉ toàn điểm kém”.
Hay câu chuyện “con nhỏ lớp bên cắt tóc kiểu gì quê ơi là quê”, “thằng kia nhà nghèo lắm, cha mẹ không mua nổi cho cái iPad thì đừng hòng mơ tới tao”- một cô bé trong nhóm phản bác lại lời gán ghép của bạn kèm theo đó là tiếng “xí” dài.
Các bạn nói chuyện càng lúc càng ồn ào chẳng thèm để ý gì người xung quanh, thậm chí trong lời nói lắm lúc còn đệm cả những từ tục tĩu nghe rất trái tai. Nghiêm trọng hơn, khi có 2 bạn nam đến là cả nhóm chuyển sang hẹn hò tối mai đi karaoke. Một bạn bảo có giờ học thêm thì bị cả nhóm bĩu môi, gạt ngang để bàn tính tiếp.
Một bạn trai gợi ý: “Muốn “quẫy” cho đã, mỗi đứa 1- 2 chai bia mới vui. Giống như hôm bữa, một ít bia, hát xong về nhà đâu có đứa nào bị phát hiện đâu” rồi cả nhóm cùng nhau cười ồ như thay cho lời đồng ý.
Thoáng nghe, tôi bỗng rùng mình. Trong đầu tôi là dòng suy nghĩ về những vụ việc thanh- thiếu niên tụ tập trong nhà nghỉ sử dụng chất ma túy mà báo, đài liên tiếp đưa tin thời gian qua- trong đó có những em mới chỉ 14- 15 tuổi.
Có lẽ đây là nguyên nhân, “bước chân đầu” dẫn đến con đường lạc lối của các em: từ cuộc sống thích và được hưởng thụ dẫn đến chơi bời, lêu lổng rồi bị dụ dỗ nghiện ngập và sa vào các tệ nạn xã hội, đánh mất hết tương lai.
Thiết nghĩ, việc giáo dục con cái ngày nay không nên chỉ phó mặc cho nhà trường, thầy cô- đặc biệt là giáo dục về kỹ năng sống. Bởi, gia đình giữ vai trò then chốt trong việc giáo dục, hình thành nhân cách con cái.
Đơn cử, khi một đứa trẻ bắt đầu bi bô biết nói thì đa phần bắt chước mẹ gọi cha là “anh” hay gọi mẹ là “em”! Ngay khi trẻ bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh thì chính cha mẹ sẽ là tấm gương đầu tiên phản chiếu cho con.
Phụ huynh không nên mải lo kinh tế (dù biết rằng cha mẹ nào “đầu tắt mặt tối” cũng chỉ để lo cho tương lai của con).
Nhưng chút ít lơ là trong dạy dỗ, quản lý rất dễ khiến con em mình “đi lạc” mà cha mẹ khó lòng “tìm” lại được chính con mình. Hãy quan tâm quản lý con để hướng các em tránh xa những con đường tăm tối- đặc biệt là ở lứa tuổi chuyển giao giữa thanh- thiếu niên các em luôn cho mình là “đã lớn”, bắt đầu thể hiện cái tôi của bản thân mình.
Vì tương lai của con, cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm quản lý. Đừng để con mình nhiễm thói hư tật xấu, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tệ nạn mới uốn nắn thì đã quá muộn mằn.
NHƯ Ý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin