Tiếc chi một vài lời nói người ơi!

02:07, 05/07/2019

Một sáng, khi tôi trên đường đến chỗ làm. Dù đoạn đường chỉ tầm 3km nhưng tôi đã chứng kiến 2 vụ việc rất đáng chia sẻ để chúng ta cùng nhau suy ngẫm. Đó chính là tình trạng "vô cảm" của người đi đường đang "nuốt chửng" dần tình thương, lòng nhân ái và sự sẻ chia của người với người.

Một sáng, khi tôi trên đường đến chỗ làm. Dù đoạn đường chỉ tầm 3km nhưng tôi đã chứng kiến 2 vụ việc rất đáng chia sẻ để chúng ta cùng nhau suy ngẫm. Đó chính là tình trạng “vô cảm” của người đi đường đang “nuốt chửng” dần tình thương, lòng nhân ái và sự sẻ chia của người với người.

1. Tại một cây xăng: “Cưng ơi! Cưng làm ơn cho chị mượn điện thoại gọi cho ông xã chị cái được không? Nãy đi làm chị quên mang điện thoại theo mà giờ bánh xe bị lủng hay gì rồi!”- tiếng một chị gái trong bộ trang phục công sở chỉn chu vừa chỉ tay vào bánh sau của chiếc xe tay ga đang xẹp dần vừa nói với người thanh niên đổ xăng bên cạnh.

Tôi đoán chị định ghé vào đổ xăng thì phát hiện xe gặp vấn đề. Và chị định gọi chồng thì ai dè mình đã để quên điện thoại ở nhà. Đáp lại lời chị gái là ánh mắt dè chừng và một câu nói gọn lỏn: “Em không có xài điện thoại chị ơi!” kèm theo đó là gương mặt lạnh lùng cùng hành động nhanh nhanh gạt chân chống như để mau mau thoát khỏi rắc rối này.

Hẳn nhiều câu chuyện “thôi miên” để lừa lấy tiền, điện thoại khiến anh đề phòng. Nhưng thanh niên kia ơi!  Nếu lừa đảo bạn thì chị gái tẩu thoát thế nào với một bánh xe đã xẹp lép thế kia.

Khuôn mặt chị không hề “che chắn” và camera của cây xăng đang quay trực diện chị, xe chị và anh thì có kẻ lừa đảo nào lại dám chọn cách mạo hiểm như vầy để ra tay? Hiểu và thông cảm cho “nỗi lo” của người cùng đổ xăng, chị gái thấy mình không nên hỏi nhờ ai nữa đành vào bên trong cây xăng gọi nhờ điện thoại và ngồi yên đấy đợi chồng đến như một sự đảm bảo rằng mình không phải là kẻ lừa đảo.

2. Chạy xe thêm một đoạn, đến đèn đỏ. Đang giờ đến sở làm nên có rất nhiều xe xếp hàng chờ đèn xanh. Trong đám đông, có một anh trai chở theo một bé gái ngồi trước cùng một chiếc vali được ràng chặt ở phía sau.

Anh trai này tỏ vẻ phân vân không biết đi đường nào nên tranh thủ đèn còn đỏ quay sang hỏi chị gái bên cạnh với giọng rất lịch sự: “Cưng cho anh hỏi: Rẽ phải là về Mang Thít phải không cưng? Hồi nãy anh có hỏi đường rồi nhưng nhiều chặng quá đến đây anh không biết đúng không nữa?” thì anh trai nhận được câu trả lời là: “Không biết anh ơi”.

Chị gái trả lời như cho có, thậm chí chị cũng chẳng thèm ngó sang anh trai dù chỉ là một chút. Chị đang trong sắc áo đồng phục mà theo tôi biết là của một ngân hàng đóng trên địa bàn lẽ nào chị không biết hướng về Mang Thít sao? Chị lo sợ giật dọc chăng?

Nhưng chị không hề đeo trang sức. Còn giỏ xách của chị thì tôi cũng không hề nhìn thấy (chắc chị đã cẩn thận để trong cốp xe rồi). Và, nếu anh trai kia là kẻ xấu thì sẽ tẩu thoát như thế nào khi quanh anh là rất nhiều xe đang yên vị chờ đèn xanh.

Khi sự lọc lừa, dối trá, dàn cảnh cướp giật, chiêu trò “ma mị” ngày càng tinh vi, trắng trợn và táo bạo thì cảnh giác và đề phòng là việc nên làm để bảo vệ chính mình. Nhưng không phải ai cần giúp đỡ cũng là giả dối và lường gạt.

Chúng ta không nên tôn sùng quá sự vị kỷ cá nhân mà phải xem xét, nhìn nhận để giúp những người cần giúp. Càng nhiều hành động giúp đỡ người hoạn nạn sẽ càng làm thay đổi những cái nhìn tiêu cực, nhen nhóm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong mỗi con người, giúp mọi người xích lại gần nhau, dần dần cái xấu sẽ bị tiêu diệt.

NHƯ Ý

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh