Sáng 25/6/2019, tôi lên mạng đọc được thông tin giá vàng lên đỉnh cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Sau khi hội ý, vợ chồng tôi quyết định đi bán vàng (mà chính xác là vàng cưới).
Sáng 25/6/2019, tôi lên mạng đọc được thông tin giá vàng lên đỉnh cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Sau khi hội ý, vợ chồng tôi quyết định đi bán vàng (mà chính xác là vàng cưới).
Đầu năm nay, để chuẩn bị lễ hỏi, chồng tôi có mua một số vàng làm sính lễ, trong đó có kiềng vàng 5 chỉ tại một tiệm vàng lớn ở Phường 1 (TP Vĩnh Long).
Sau lễ hỏi, nếu chồng tôi không đưa hóa đơn cho tôi giữ thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ rằng: đây là món nữ trang cũ thời cha mẹ hay anh chị của chồng đã mua mấy chục năm về trước vì nhìn vàng rất cũ kỹ. Tôi khá ngạc nhiên, vì tiệm vàng lớn và khá nổi tiếng mà lại bán vàng cũ như vậy. Song, nói đi thì cũng nói lại, tôi hiểu là do sơ suất của chồng tôi là không lựa chọn vàng kỹ mà chỉ đến hỏi mua rồi đem về và vì đã mua nên đành phải chịu.
Tôi đeo chiếc kiềng lần thứ nhất vào lễ hỏi và lần thứ hai vào ngày cưới (cách nay hơn 1 tháng). Cũng ở lần thứ hai này, do chiếc kiềng vàng quá cũ nên chỗ mối đeo bị hở. Sau đó, tôi đem vàng đến tiệm vàng đó nhờ chỉnh lại dùm thì chủ tiệm vàng nói “có hư gì đâu mà sửa”.
Nghĩ đây là vàng “làm của” chứ chẳng ai đeo thường ngày nên tôi cũng ậm ừ rồi đem về cất. Song, đến ngày đem vàng bán thì chủ tiệm vàng nói: “Vàng bị hở mối nối nên trừ hao vàng”. Tức là từ 5 chỉ vàng, tôi chỉ bán được 4,95 chỉ. Thiết nghĩ, nếu bán được 5 chỉ vàng (giá bán 3.800.000 đ/chỉ vàng nữ trang) tôi sẽ có 19 triệu đồng, nhưng bị giảm còn 4,95 chỉ nên tôi chỉ bán được 18,81 triệu đồng, tức là phải chịu lỗ 190.000đ. Dù ấm ức nhưng nghĩ cũng chẳng bao nhiêu tiền và vì đã mua vàng ở đây nên tôi… tặc lưỡi bán.
Đến khi tôi bán thêm chiếc nhẫn 1 chỉ vàng. Cụ thể, trước đây tôi được tặng chiếc nhẫn nhân lễ hỏi của tôi (cũng mua tại tiệm vàng này và có hóa đơn). Do đeo không vừa nên tôi đem ra tiệm đổi cùng kiểu và to hơn, nhưng không có, vì vậy, tôi phải đổi kiểu khác. Tuy nhiên, khi đổi tôi chịu lỗ tiền công và trả thêm tiền chênh lệch từ 0,99 chỉ vàng sang 1 chỉ và được tính bằng với giá vàng y (vàng nhẫn trơn).
Khi bán vàng, chủ tiệm hỏi tôi mua ở đâu, tôi trả lời là mua tại tiệm vàng này. Chủ tiệm lại hỏi tôi có hóa đơn không, tôi nói không có giữ thì chủ tiệm nói: “vàng này là vàng nữ trang”. Nhớ lại trước đó, tôi mua vàng và trả tiền với giá vàng y (cao hơn giá vàng nữ trang) nên tôi thấy không được hài lòng.
Không những vậy, trong khi giá vàng nữ trang thời điểm tôi bán 3,8 triệu đồng/chỉ, nhưng không có hóa đơn nên chủ tiệm vàng trừ 100.000đ, như vậy còn lại 3,7 triệu đồng. Song, giá vàng y tại thời điểm đó được thu mua khoảng 3,865 triệu đồng/chỉ. Điều này đồng nghĩa nếu bán chỉ vàng này tôi tiếp tục bị lỗ khoảng 65.000đ. Như vậy, tổng số tiền phải chịu lỗ tiếp tục là 165.000đ.
Lúc này tôi hỏi lại: “Không lẽ vàng của tiệm anh bán mà anh không biết sao?” Người chủ lại nói: “Chắc vàng chị đeo lâu quá bị mòn nên mất chữ”. Tôi trả lời: “Tôi chỉ đeo vào ngày cưới rồi đem cất, nên không thể mòn được”. Lúc này người chủ tiệm nói là không nhìn thấy rõ tên tiệm vàng bên trong, chắc do nong ra. Tôi cũng nói là “tôi mua tại đây và nong tại đây ngay lúc mua”, nhưng chủ tiệm vàng nhất quyết chỉ thu vào với giá 3,7 triệu đồng.
Lúc này, tôi không chịu bán cho tiệm vàng này mà đem đến tiệm vàng khác bán thì chiếc nhẫn đó được mua với giá vàng y và cũng chẳng kèo nài mua giá thấp với lý do “không có hóa đơn”. Vì bức xúc với chiêu trò ăn chặn tiền khách hàng một cách trơ trẽn nên tôi viết những dòng này để những người có nhu cầu mua vàng cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng khi mua sắm vàng và phải chọn nơi thật uy tín, mua bán ngay thẳng.
THỤY VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin