Thời gian gần đây, bạo lực học đường cứ liên tục xảy ra. Nó như một "cơn bão" và là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Điều này khiến cho không ít phụ huynh sinh ra lo lắng.
Thời gian gần đây, bạo lực học đường cứ liên tục xảy ra. Nó như một “cơn bão” và là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Điều này khiến cho không ít phụ huynh sinh ra lo lắng.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao thời gian gần đây bạo lực học đường cứ liên tục xảy ra và làm thế nào để ngăn chặn được vấn nạn này?
Mấy ngày qua, có nhiều ý kiến khác nhau bàn về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra nạn bạo lực học đường. Trong đó, có người còn quy trách nhiệm cho thầy (cô) giáo và nhà trường.
Ở đây, tuy không bàn về việc quy trách nhiệm cho ai nhưng đứng ở góc độ là phụ huynh, người viết xin được trình bày quan điểm của cá nhân xung quanh vấn đề này như sau:
Thứ nhất là tính cách của trẻ. Như chúng ta biết, tính cách một người sẽ quyết định hành động của người đó.
Chẳng hạn: nếu một đứa trẻ có bản tính hung dữ, thường hay thích động tay, động chân thì lúc chơi với bạn bè, khi xảy ra mâu thuẫn chắc chắn là trẻ sẽ sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Trong khi đó, ở độ tuổi của trẻ, rõ ràng, các em chưa nhận thức được mức độ của hậu quả mà mình gây ra. Có lẽ đối với các em, lúc này việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là giải pháp tối ưu nhất mà các em có thể làm.
Tuy nhiên, tính cách của một người được hình thành không phải ngày một, ngày hai. Đó là cả một quá trình sống, được giáo dục, nhận thức rồi từ từ tích lũy mà nên.
Do đó, tính cách của một đứa trẻ được hình thành chịu ảnh hưởng rất lớn từ phía gia đình, đặc biệt là cha mẹ, những người lớn trong gia đình.
Tại sao vậy? Tại vì đối với một đứa trẻ, kể từ lúc sinh ra trẻ đã được sống gần gũi, yêu thương và chăm sóc từ những người lớn trong gia đình.
Chính gia đình đã dạy cho trẻ từng ly từng tí một. Từ việc ăn, uống, đến nói năng… đều do những người lớn trong gia đình chỉ dạy.
Hành vi bạo lực của một đứa trẻ không phải là suy nghĩ nhất thời ngày một, ngày hai của trẻ, mà trước đó nó đã được hình thành dần dần từ trong suy nghĩ của các em. Đến một thời điểm thích hợp thì nó sẽ bùng phát là điều hiển nhiên.
Thứ hai là nguồn gốc của vấn nạn bạo lực. Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, một đứa trẻ mới vừa biết đi chập chững đã được người nhà cho tiếp xúc với ti vi, điện thoại, máy vi tính…
Thậm chí có phụ huynh còn lợi dụng các thiết bị điện tử để dỗ dành trẻ. Muốn trẻ ngồi im, không quấy rối, không khóc la thì cứ việc giao cho trẻ cái điện thoại, ti vi, máy tính là trẻ sẽ ngồi im thin thít.
Thực tế cho thấy, mỗi đứa trẻ khi được người nhà trao quyền cho sử dụng các thiết bị điện tử thì các em rất là thích thú. Trẻ xem một cách say mê, xem hàng nhiều giờ liền mà không chán, thậm chí quên cả việc ăn, uống.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có thói quen khi giao cho trẻ các thiết bị thì cứ mặc nhiên cho con em mình sử dụng một cách tự do theo ý thích mà không có sự kiểm soát, quản lý. Đây là cơ hội rất thuận lợi để các em tiếp cận với những game, bộ phim, video… mang tính bạo lực.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh vì quá thương con, nuông chiều con cái nên khi trẻ đòi mua những loại đồ chơi mang tính bạo lực như: súng nhựa, kiếm nhựa, xe đua… thì phụ huynh sẵn sàng đáp ứng.
Có thể nói, phần lớn những đứa trẻ rất thích được chơi những đồ chơi mang tính bạo lực, nhất là những đứa trẻ nam.
Bởi những đồ chơi ấy trẻ đã được nhìn thấy trong game, phim ảnh và muốn bắt chước làm theo. Theo thói quen, một khi có được đồ chơi thì các em tìm kiếm đến đối tượng (bạn bè) để thể hiện năng lực sử dụng đồ chơi của mình và dĩ nhiên cơ hội gây ra thương tích là rất cao.
Chúng ta thử nghĩ xem, những đứa trẻ nếu hàng ngày sống trong môi trường mang tính bạo lực như thế thì làm sao mà không ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách? Trong khi đó, lứa tuổi của các em thường hay tìm tòi, khám phá, học hỏi và bắt chước làm những việc mà trẻ tận mắt chứng kiến.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn bạo lực học đường thì hơn ai hết các phụ huynh phải quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục con cái. Nên hướng dẫn cho trẻ nhận biết những loại đồ chơi, giải trí nào mang tính bạo lực, cần tránh xa. Tuyệt đối không nên cho trẻ tự ý sử dụng các thiết bị điện tử, mà phải có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp trẻ có cơ hội tiếp xúc với bạo lực.
NGUYỄN VĂN DÔ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin