Hãy làm tốt khẩu hiệu "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai"!

06:05, 29/05/2019

Thời gian qua, trên hệ thống thông tin báo đài phản ảnh nhiều trường hợp gây chấn động dư luận về những cái chết thương tâm của trẻ em, đa phần là tai nạn về đuối nước, sau đó là tai nạn giao thông trên đường đi học, đi bán vé số… không ít trẻ bị bạo lực gia đình, trẻ gái bị xâm hại thân thể v.v... 

Thời gian qua, trên hệ thống thông tin báo đài phản ảnh nhiều trường hợp gây chấn động dư luận về những cái chết thương tâm của trẻ em, đa phần là tai nạn về đuối nước, sau đó là tai nạn giao thông trên đường đi học, đi bán vé số… không ít trẻ bị bạo lực gia đình, trẻ gái bị xâm hại thân thể v.v...

Có thể nói hàng năm đã xảy ra hàng ngàn tai nạn thương vong ở trẻ. Ngoài ra theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nước ta có gần 10% trẻ từ 15- 17 tuổi phải lao động chân tay trên tổng số 17 triệu trẻ ở độ tuổi này, đang làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bán vé số, bán hàng rong, làm thuê mướn và các nghề khác.

Còn tại Vĩnh Long qua khảo sát của ngành lao động- thương binh và xã hội, toàn tỉnh có hơn 1.000 trẻ em phải lao động sớm. Đáng chú ý là trong số trẻ em lao động sớm có 347 trẻ vừa học vừa làm có nguy cơ bỏ học và chừng ấy trẻ đã bỏ học.

Đau xót, thương tâm, phẫn nộ… trước những gì đã xảy ra đối với trẻ em. Người ta có thể trao tặng danh hiệu, có thể chia buồn với các em và gia đình, nhưng qua các tai nạn thương tâm trên, ít thấy những lời răn đe, cảnh báo, thậm chí là những mức án đích đáng dành cho những kẻ đã vô tâm gây ra những cái chết đau đớn cho các em.

Nhiều dư luận đã đặt câu hỏi, cộng đồng xã hội đang làm gì với trẻ em?

Nhìn vào thực tế, mỗi ngày các em ra khỏi nhà là biết bao nhiêu cái bẫy nguy hiểm đang rình rập, không riêng gì ở chốn thị thành mà ở cả vùng nông thôn.

Những cái bẫy từ các con đò, chiếc trẹt, con phà ngang thiếu an toàn, những cầu cây xiêu vẹo rập rình, cầu treo kém chất lượng, những hố nước công trình bỏ dở, những chiếc xe chạy quá tốc độ quy định lạng lách, đánh võng hay những vỉa hè lòng đường bị lấn chiếm trở nên chật hẹp cản trở lưu thông và các đường lộ ùn tắc giao thông trước cổng trường…

Theo một thống kê gần đây, hàng năm nước ta có trung bình 2.000 trẻ bị tử vong vì đuối nước và có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số này, có không ít trẻ em và cũng có nhiều trẻ phải sống nhưng cả đời gắn liền với chiếc nạng hoặc chiếc xe lăn, hay những di chứng để lại không thể nào chữa trị được, thậm chí đành chấp nhận sống đời thực vật.

Chúng ta có khẩu hiệu rất hay “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký “Công ước về quyền trẻ em”.

Chúng ta luôn dành cho trẻ em một cuộc sống tốt đẹp nhất và hiện nay đã có nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội… tham gia chăm sóc bảo vệ trẻ em. Việc đầu tư xây dựng công viên, khu vui chơi cho trẻ em, nhà hát dành cho trẻ hay tổ chức hội trại, cho trẻ đi tham quan du lịch, thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” là cần thiết.

Có thể khẳng định công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được Nhà nước quan tâm chu đáo, nhằm tạo điều kiện học tập chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đang tiến triển tốt đẹp.

Tuy nhiên, lại càng cần thiết hơn nữa mà nhiều người cùng có suy nghĩ đó là: trẻ em được sinh ra và lớn lên phải sống trong một môi trường xã hội an toàn, ở đó các em cần được sự bảo bọc chở che của người lớn và cộng đồng xã hội có trách nhiệm có lương tâm và một hành lang pháp lý bảo vệ các em một cách nghiêm minh. Như thế khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” lại càng tốt hơn nữa.

TỪ HOÀNG ĐƯƠNG 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh