Đối lập văn hóa đọc

06:05, 08/05/2019

Do làm bên ngành du lịch, thường xuyên di chuyển bằng hàng không nên tôi chứng kiến nhiều điều thú vị ở nhà ga- nơi người ta có thể làm nhiều việc trước khi lên máy bay hoặc đợi người thân đi đâu đó trở về.

Do làm bên ngành du lịch, thường xuyên di chuyển bằng hàng không nên tôi chứng kiến nhiều điều thú vị ở nhà ga- nơi người ta có thể làm nhiều việc trước khi lên máy bay hoặc đợi người thân đi đâu đó trở về.

Thường thì người ta rôm rả trò chuyện, tĩnh tâm, ngủ gật hoặc xem gì đó. Điều tôi hay chú ý là ở những sân bay Châu Âu, hành khách thường đem quyển sách hoặc tạp chí ra đọc. Họ đọc một cách say mê và không thiết gì đến không gian xung quanh.

Thậm chí ngay cả khi tranh thủ xếp hàng lên máy bay, yên vị chỗ ngồi họ cũng đọc. Họ đọc bất cứ nơi đâu, rất nhiều thể loại sách báo, từ giải trí cho đến chuyên ngành.

Có những quyển sách rất dày, mất chừng hơn một tháng, nhưng họ không nản, cứ thong thả đọc. Thú vị nhất là việc người cha đọc cho con nghe hoặc diễn giải những gì trong sách cho con hiểu rõ.

Rất ít thấy cảnh họ dùng điện thoại di động, dù chắc rằng trong túi họ đều có những chiếc điện thoại thông minh để liên lạc.

Trong khi ở những sân bay Việt Nam thì ngược lại. Thời gian chờ ở nhà ga, người Việt tận dụng điện thoại hết mình chỉ để chơi game, lướt web, like dạo trên Facebook.

Nói không ngoa, nếu ai thường xuyên đi máy bay, chú ý kỹ sẽ thấy sự khác biệt đó. Thậm chí có nhiều lần tôi thấy hình ảnh đối lập khi mà bên kia ghế người Việt Nam dán mắt vào màn hình điện thoại; còn hàng ghế bên đây, người phương Tây chăm chăm vào quyển sách đến quên trời quên đất.

Họ khá là tĩnh lặng, khiến cho nơi công cộng rất tao nhã. Trong khi chúng ta thì ồn ào lớn tiếng vì không hài lòng với cảnh game vừa chơi.

Còn nhớ, tại hội thảo quốc gia về “Xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học” (diễn ra từ 29- 30/6/2018, tại Đà Nẵng), các chuyên gia có công bố khảo sát về việc đọc sách.

Theo khảo sát này, số giờ đọc sách trung bình của mỗi người ở quốc gia Ấn Độ là 10,42 giờ/tuần; Thái Lan là 9,24 giờ/tuần và người Mỹ đọc 5,42 giờ/tuần. Riêng Việt Nam, con số này được tính trung bình mỗi người Việt đọc 1,2 quyển sách/năm. Phải nói là rất ít so với các nước bạn.

Cứ mỗi khi bàn luận về văn hóa đọc, những đồng nghiệp tôi thường cho rằng, sở dĩ mà có sự khác biệt về văn hóa đọc như thế là vì phương Tây đi trước công nghệ so với chúng ta đã hơn nửa thế kỷ. Vì thế mà bây giờ họ chán ngán, muốn quay về giá trị cũ.

Trong khi ta tiếp thụ công nghệ muộn, nên chuyện háo hức, sính, muốn làm quen mọi lúc mọi nơi. Điều đó cũng có thể đúng nếu với người cao tuổi, riêng giới trẻ bây giờ sống trong thời kỳ toàn cầu hóa, mọi thứ đều phẳng và song hành.

Theo tôi, quan trọng là ở thói quen. Ở trời Tây, người ta đã có thói quen đọc sách từ bao đời nay, dù sống trong một nền công nghệ vô cùng hiện đại. Ngay cả những tỷ phú công nghệ như Bill Gates, Elon Musk, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos,... cũng thích đọc sách truyền thống và thậm chí là đọc say mê.

Ở ta, việc đọc sách truyền thống ngày trước không ít. Nhưng thói quen ấy mai một từ khi công nghệ thông tin lên ngôi- nhất là giới học sinh, sinh viên.

Nói thế để chúng ta hiểu giá trị của việc đọc sách truyền thống là như thế nào. Mặc dù hiện nay, việc sử dụng điện thoại là một phần tất yếu của cuộc sống. Nó giúp ích rất nhiều cho chúng ta, từ việc cập nhật tin tức, giải trí, công việc, cho đến liên lạc thông tin nhanh gọn,…

Tuy nhiên không phải như thế mà chúng ta quên mất bản sắc, giá trị cũ. Khoa học đã chứng minh đọc sách giúp cho con người tư duy hơn, linh hoạt hơn trong cách giao tiếp, ứng xử, tiếp thu nhiều kiến thức xã hội, cũng như xây dựng đạo đức chuẩn mực. Từ đó tạo nền tảng tốt đưa chúng ta đến sự thành công, dễ dàng giáo dục con cái nên người.

Vì vậy, sẽ không vô bổ chút nào nếu chúng ta dành thời gian nửa giờ hoặc một giờ mỗi ngày để đọc sách báo truyền thống.

NGUYỄN TẤN QUỐC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh