Nghỉ lễ là dịp cho nhiều gia đình sum họp, vui vầy. Mà đã sum họp thì chuyện tiệc tùng, bia rượu như món chính không thể thiếu, bất kể thành thị hay nông thôn.
Nghỉ lễ là dịp cho nhiều gia đình sum họp, vui vầy. Mà đã sum họp thì chuyện tiệc tùng, bia rượu như món chính không thể thiếu, bất kể thành thị hay nông thôn.
Trong khi mọi người đang “dzô” thì chị Năm tôi nhẩm tính: “Một thùng bia bằng 3 giạ rưỡi lúa, bằng 2 ngày công làm mướn,… ý là chưa tính mồi”. Phụ nữ chắc hay tính toán chi li là thế, mà chị cũng chỉ dám nhẩm tính để rồi biết “liệu cơm gắp mắm” cho những ngày sau lễ. Nhưng cái chị nói là sự thật, nghe sao đắng lòng, ngụm bia chắc cũng đắng hơn!
Bia, rượu quá đà còn dẫn đến nỗi lo an toàn khi tham gia giao thông. Từ chỗ “vui là chính”, bia rượu quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật và gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Theo một báo cáo gần đây, có 60% các trường hợp cấp cứu ở các bệnh viện có nguyên nhân liên quan đến rượu bia.
Khi đã uống rượu, khả năng kiềm chế của con người giảm đi nhiều, đặc biệt có tâm lý tự tin “vẫn có thể đi xe an toàn”, trong khi thực tế thì không phải như vậy. Chợt rùng mình nhớ đến anh bạn bị tai nạn giao thông gần cầu Trà Ôn năm ngoái.
Anh có vợ và 2 con nhỏ, đứa nhỏ nhất chưa được 2 tuổi. Anh ra đi vì không kiềm chế được tốc độ, tự gây tai nạn cho bản thân mình. Anh ra đi, để lại cho vợ con số nợ ngân hàng hơn trăm triệu; bảo hiểm nhân thọ đã mua cũng không nhận được vì hợp đồng nêu rõ: không bồi thường trường hợp tử vong do nồng độ cồn!
Trong kỳ họp Quốc hội ngày 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Dự luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, nêu: Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và xếp vào hàng đầu thế giới. Đây là những con số không ai lấy làm tự hào gì! Vậy mà không hiểu tại sao, một số người cứ thích mời mọc, ép buộc, thách đố hay chuốc say nhau như thế!
Nếu uống bia, rượu là để cho vui thì cứ vui vừa vừa thôi, đừng vui tới bến!
VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin