Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Mỗi năm, các địa phương ở nước ta tổ chức khoảng trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ.
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Mỗi năm, các địa phương ở nước ta tổ chức khoảng trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ.
Tính ra bình quân mỗi ngày có khoảng 22 lễ hội và chỉ trong tháng Giêng và tháng 2 (âm lịch), cả nước có hơn 100 lễ hội mỗi ngày. Riêng Vĩnh Long cũng có nhiều lễ hội truyền thống lớn nhỏ.
Như những nơi khác, ngoài các lễ hội cúng bái chùa chiền thông thường còn có nhiều lễ hội liên tiếp diễn ra cũng trong dịp mùa xuân như lễ hội Kỳ yên, lễ Thượng điền, lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn; lễ cúng miễu Ông; lễ cúng vía Bà cùng nhiều lễ hội khác...
Lễ hội ở nước ta nói chung và tại Vĩnh Long nói riêng đa phần là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo. Phương thức tổ chức và nội dung các lễ hội thường có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen các phong tục tín ngưỡng dân gian…
Nhìn chung, mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng. Tất cả lễ hội đều diễn ra sôi động, là cầu nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu được công lao tổ tiên để tự hào về truyền thống quê hương, đất nước.
Vào đầu xuân, như một thói quen, người dân nô nức đi trẩy hội hoặc lễ chùa, nhằm cầu gia đạo bình an, mong muốn vạn sự tốt lành và vì vậy, lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống người dân và nét phong phú của các lễ hội cũng là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong, ngoài nước.
Các lễ hội được tổ chức xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên ngày nay nhiều lễ hội, văn hóa tín ngưỡng đang bị biến tướng, sa đà với 2 biểu hiện chính: sự trần tục và tính thương mại hóa. Những điều này một phần phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội; sự khủng hoảng lòng tin trong một bộ phận dân chúng được phản ánh khá đầy đủ ở chốn đền chùa, lễ hội...
Như đã nói, cùng với phát triển kinh tế, số người tìm đến các lễ hội ngày càng đông, kéo theo là hàng loạt những vấn đề nảy sinh và tồn tại như việc các lễ hội chạy theo thương mại, biểu hiện ở những trò chơi mang tính đỏ đen, lô tô, cờ bạc bịp kém lành mạnh hay tập trung nhấn mạnh các yếu tố mang màu sắc mê tín dị đoan, bói toán, xem tử vi, đồng cô bóng cậu thái quá thay vì phát huy những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử.
Hoặc việc người dân thi nhau đổ tiền của mua sắm lễ vật, đốt vàng mã tại các đền, chùa. Rồi việc người dân thi nhau rải tiền lẻ khắp các ban bệ, tượng Phật với mục đích…“hối lộ” thánh thần, cầu xin tài lộc (?).
Thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nội dung chỉ thị yêu cầu: “...
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Đề nghị thực hiện nghiêm việc quản lý đốt vàng mã; quản lý, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội…”
Nhất thiết đây cũng là những hoạt động cần lưu ý tập trung của các ban ngành chức năng liên quan từ cấp tỉnh đến cấp địa phương, của mọi người dân nên quan tâm chấp hành và thực hiện tốt trong mùa lễ hội để cùng vững bước vào năm mới 2019 một cách hết sức văn minh, tiết kiệm, thoải mái, an vui nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, nâng cao dân trí, đồng thời bảo đảm trật tự an ninh cho du khách thập phương khi có dịp tìm về tỉnh Vĩnh Long.
NGUYỄN SINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin