Xưa nay, chữ tín luôn là phẩm chất cao quý của một con người. Từ thực tiễn của cuộc sống, người xưa đã đúc rút ra rằng: "Có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin là mất tất cả".
Xưa nay, chữ tín luôn là phẩm chất cao quý của một con người. Từ thực tiễn của cuộc sống, người xưa đã đúc rút ra rằng: “Có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin là mất tất cả”.
Lòng tin bắt nguồn từ chữ tín. Nó thuộc phạm trù đạo đức và trở thành kim chỉ nam trong các mối quan hệ ứng xử ở mọi lĩnh vực. Người xưa họ rất coi trọng chữ tín. Bởi một lời nói ra là phải có sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi họ đã chủ định giữ chữ tín với ai, mà không thực hiện được thì họ cảm thấy những năm tháng cuộc đời về sau sẽ không còn giá trị và ý nghĩa gì nữa.
Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng: người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn và chỗ đứng trên thế gian này. Vậy nên người xưa coi chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Họ thường hay dùng từ “tín nghĩa” vì một khi đã hứa với ai đó điều gì thì sẽ phải thực hiện cho bằng được.
Lời nói một khi đã thốt ra thì có trời đất chứng giám, cho nên, đừng vì tùy hứng mà hứa bừa làm thất tín với người khác. Chúng ta cần phải noi gương người xưa, họ rất coi trọng chữ tín, như thế mới có thể khiến cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn. Con người nếu không giữ được chữ tín thì con người đó sẽ không có nghĩa, nói chi đến lòng biết ơn?
Khi ấy, con người sẽ đề phòng lẫn nhau, dẫn đến việc coi nhau như kẻ thù, quan hệ giữa người với người sẽ trở nên căng thẳng. Cho nên chữ tín là cầu nối giữa con người với con người, là nền tảng, đạo đức để con người sống chân thành với nhau.
Từ đó có thể suy rộng ra, nếu người với người không tin tưởng lẫn nhau, vô ơn, vô nghĩa, đạo đức suy đồi thì tai họa ắt sẽ đến. Vì vậy, việc đề cao các giá trị “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” là một cách trực tiếp bảo vệ cho sinh mạng của mỗi người và mỗi một quốc gia!
Đối với người xưa, việc giữ chữ tín là rất quan trọng. Có 2 người bạn họ gặp nhau vào khoảng đầu mùa xuân. Trước khi chia tay, chủ nhà hỏi người bạn của mình rằng khi nào thì bạn lại đến chơi.
Người bạn kia hẹn vào Tết Trung thu sẽ tới để cùng ngắm trăng. Đến Trung thu, chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên sau nhà, không ăn, không uống mà kiên trì ngồi chờ bạn đến. Đến gần tới canh ba, người bạn kia quả nhiên đi đến, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi: “Hiện tại chưa qua canh ba nên vẫn tính đang là ngày rằm chứ?”
Chủ nhà trả lời bạn: “Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là rằm tháng tám rồi. Tôi biết rõ bạn nhất định sẽ đến, bởi vì trong trí nhớ của tôi thì bạn chưa thất tín với tôi bao giờ. Xin mời, mau vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”. Chủ nhà nói xong liền chạy lại cổng của hoa viên mời bạn.
Người bạn vội nói: “Tôi trên đường đến với bạn nhưng không may bị tai nạn nên đã trút bỏ đi thân thể của mình để có thể đi ba ngàn dặm đến đây trước canh ba. Giờ tôi đã ở đây rồi. Tôi với bạn giờ đã là âm dương cách biệt, nhưng dù sao thì tôi cũng đã giữ được lời hứa với bạn”.
Người xưa là thế đấy! Vì giữ lời hứa mà sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình. Vậy nên người xưa mới có câu: “Lời nói đọi máu” thật chẳng ngoa chút nào. Người bạn trong câu chuyện này đã đặt chữ tín ở vị trí trọng yếu nhất, thậm chí còn cao hơn cả tính mạng của mình. Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý của một con người. Nếu bội tín lời hứa thì không chỉ làm tha hóa bản thân mà còn gây tác hại cho nhiều người.
Thực tế trong xã hội không thiếu những vụ việc xem thường chữ tín dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn. Khi chữ tín được xác lập thì lòng tin sẽ được tăng lên khiến cho mối quan hệ càng thêm bền chặt. Người xưa đã nói: “Lời hứa đáng giá ngàn vàng”, như vậy có nghĩa là lời hứa có giá trị vô cùng to lớn.
Ngày nay, đối với một số người lời hứa không đáng giá một xu. Họ chỉ hứa để mà hứa hay nói đúng hơn hứa để lấy lòng, sau đó họ không hề nghĩ đến những lời mà họ đã hứa. Vì vậy mà danh dự và phẩm giá của họ bị người đời xem thường.
HOÀNG BÍCH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin