Hiếu kính

09:01, 18/01/2019

Người xưa dạy: "Đạo làm con, hiếu, nghĩa đứng đầu". Nhưng trong cuộc sống ngày nay, do chúng ta quá bận rộn với công việc nên không ít người đã lơ là, thậm chí lãng quên đấng sinh thành của chính mình, đó là một điều thật đáng tiếc.

Người xưa dạy: “Đạo làm con, hiếu, nghĩa đứng đầu”. Nhưng trong cuộc sống ngày nay, do chúng ta quá bận rộn với công việc nên không ít người đã lơ là, thậm chí lãng quên đấng sinh thành của chính mình, đó là một điều thật đáng tiếc.

Cuộc sống ngắn ngủi và vô thường lắm thay, không biết rằng ngày mai chuyện gì sẽ đến. Hãy cố gắng dành thật nhiều thời gian cho những người chúng ta yêu quý khi còn có thể- nhất là ba mẹ- bởi chẳng có gì trên đời này quan trọng hơn ba mẹ mình.

Đã có không ít người lầm tưởng rằng nuôi được ba mẹ đã là người có hiếu rồi. Người xưa có câu: “Người nuôi được ba mẹ gọi là hiếu, như vậy thử nghĩ mà xem đến như chó ngựa, trâu bò, gà vịt,… ta cũng có thể nuôi được. Nếu không có sự kính trọng thì giữa nuôi cha mẹ với nuôi loại vật có gì khác đâu”.

Đây chính là điều quan trọng nhất của chữ hiếu kính. Ba mẹ sinh ra ta, ấp ủ, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, luôn lo lắng, sẵn sàng bảo vệ ta. Công ơn ấy cao như trời, rộng như biển.

Thế mới có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Có một phóng viên đến phỏng vấn một doanh nghiệp nổi tiếng về việc làm ăn kinh tế. Phóng viên hỏi: “Ông cho rằng điều gì trong cuộc sống mà không thể chần chừ nhất?”.

Không cần do dự nhà doanh nghiệp trả lời: “Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với ba mẹ”. Theo ông, việc không thể chờ đợi trong đời người không phải là cơ hội thành công trong sự nghiệp, mà là cơ hội để hiếu kính với ba mẹ.

Tuổi của ba mẹ, không thể không biết, nhưng một là để mừng, hai là để lo. Mẹ đã mang thai 9 tháng 10 ngày mới sinh ra ta, lo cho ta ăn no, mặc ấm đã tần tảo vất vả ngược xuôi nuôi ta lớn khôn thành người.

Dần dần năm tháng đã nhuộm trắng mái tóc của ba mẹ, thì trong lòng chúng ta sẽ nhận ra một điều là không sợ trong đời này không có cơ hội kiếm tiền, cũng không phải là không có cơ hội để thăng tiến, mà chỉ là không có cơ hội để hiếu kính với ba mẹ.

Cho nên, khi thân thể cha mẹ bệnh tật, đầu óc nghĩ ngợi lẫn lộn, ăn uống tay chân run rẩy, làm bẩn áo quần, thì chúng ta cần phải nhẫn nại kính trọng đối xử, giúp đỡ ba mẹ. Đừng nên tiếng bấc, tiếng chì làm đau lòng đấng sinh thành.

Cũng giống như khi ta còn nhỏ, ba mẹ đã kiên nhẫn nuôi nấng và dạy bảo mà vẫn đầy thương yêu dẫn dắt chúng ta để tập đi, tập làm người chứ không phải chờ đến lúc “Con muốn nuôi dưỡng nhưng cha mẹ không thể chờ” thì hối hận đã không kịp.

Hiếu kính là phẩm hạnh hàng đầu của trăm phẩm hạnh, Hiếu kính cũng là đạo hòa hợp giữa trời đất với con người. Để hiếu kính dần dần trở thành đạo đức, trong lòng mỗi con người là điều cần nên làm. Có như vậy bản thân ta mới an thân lập nghiệp, phúc hạnh tới đời sau. Có như vậy xã hội mới tốt đẹp, đất nước mới mạnh giàu.

VÕ HOÀNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh