Cổ nhân có dạy "Vật phi nghĩa bất thủ"- có nghĩa là vật ấy không phải của mình thì mình không nhận. Từ thành ngữ ấy cho chúng ta hiểu, khi nhặt của rơi nên trả lại cho người bị mất, vì tài sản ấy không phải của mình.
Cổ nhân có dạy “Vật phi nghĩa bất thủ”- có nghĩa là vật ấy không phải của mình thì mình không nhận. Từ thành ngữ ấy cho chúng ta hiểu, khi nhặt của rơi nên trả lại cho người bị mất, vì tài sản ấy không phải của mình.
Cuộc sống của con người, ai cũng có nhu cầu như nhau, đó là ăn, mặc, nhà ở... nhưng có được những điều cơ bản đó, con người phải làm lụng vất vả cả đời người, nên họ rất quý trọng, giữ gìn của cải mình làm ra. Khi làm mất tài sản, họ đau và tiếc lắm thay (bản thân mình cũng vậy).
Vậy mà trong cuộc sống có kẻ nhẫn tâm, trộm cướp, trấn lột, móc túi, nhặt của rơi không trả... và gây ra đau buồn, khổ sở cho người khác.
Nhặt của rơi không trả, tòa án không có hình phạt nhưng tòa án lương tâm sẽ hỏi tội. Tôi nhớ vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, các chiến sĩ công an rất mệt mỏi vì người ta nhặt được của rơi, đem đến nhờ trả lại cho người mất nhiều vô số.
Công an viên phải làm việc cật lực để tìm ra địa chỉ của những người đánh rơi của cải để hoàn trả, giúp họ tìm lại niềm vui.
Thời ấy học sinh nhặt được của rơi thì đem nộp cho lãnh đạo nhà trường ngay với niềm phấn khởi. Nhà trường liền ghi lên bảng họ tên người nhặt và của cải đã nhặt được như là cách tuyên dương gương tốt. Sau đó thầy cô mang của cải đến cơ quan chức năng để nhờ họ tìm giúp người bị mất.
Chỉ nêu gương tốt một cách đơn giản thế thôi nhưng đó là một động lực đánh thức đạo đức ở mỗi người dân, khiến ai cũng thấy mình cần phải làm việc gì đó có ích cho xã hội, dù nhỏ nhặt.
Ngày nay, tấm gương trả lại của rơi không phải không còn nhưng không nhiều. Thỉnh thoảng chúng ta mới nghe báo đài đưa một vài tin về gương tốt nhặt được của rơi.
Phải chăng con người đã rơi vào chủ nghĩa hiện sinh, thực dụng, chỉ nghĩ cá nhân mình trên hết? Ấy là do chúng ta cuốn vào lối sống xô bồ, nô lệ vật chất thái quá. Mong rằng mọi người hãy tự rèn luyện đức tính tốt đẹp cho bản thân để không rơi vào thói hư tật xấu, không tham lam của rơi.
Từ bản thân có nhân cách tốt, chúng ta mới giáo dục được thế hệ con cháu sống đẹp, sống có ích. Đó là kim chỉ nam hướng tới một gia đình đạo đức, xã hội lành mạnh, đất nước văn minh.
Con người biết yêu thương nhau, quý trọng nhau, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh- là truyền thống cao đẹp, quý báu của dân tộc Việt Nam ta.
TRẦN THÁI HỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin