Cân nhắc khi mở rộng diện tích cây có múi

01:04, 18/04/2018

Theo tin từ Báo Vĩnh Long số ra ngày 5/4/2018: "…ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, trong quý I/2018, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt kết quả khả quan, hầu hết sản phẩm nông nghiệp đều được giá cao. 

Theo tin từ Báo Vĩnh Long số ra ngày 5/4/2018: “…ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, trong quý I/2018, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt kết quả khả quan, hầu hết sản phẩm nông nghiệp đều được giá cao.

Một số cây ăn trái như sầu riêng ở Vũng Liêm thu từ 1- 1,2 tỷ đồng/ha, cam 200- 300 triệu đồng/ha, bưởi 300- 400 triệu đồng/ha…”.

Quả đây là tin vui cho chúng ta, trong đó có nhiều nông dân trồng cây có múi trong tỉnh! Tuy nhiên cũng theo tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: cuối quý I/2018 vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) có văn bản khuyến cáo các địa phương chú ý hướng dẫn nông dân phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có cây có múi để tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Theo ông Nguyễn Như Cường- Cục phó Cục Trồng trọt, diện tích cây có múi đang phát triển “nóng” trong cả nước và có nguy cơ “vỡ trận”, do đây là loại cây đòi hỏi cao điều kiện đất đai, thế nhưng sản phẩm chủ yếu tiêu dùng nội địa nên bị chi phối mạnh bởi quy luật cung cầu.

Năm 2017, diện tích trồng cây có múi trong nước tăng 22.000ha so với năm 2016, trong đó diện tích trồng cam hiện là 90.000ha và diện tích trồng bưởi cũng tăng 13.000ha so với năm trước…

Ở miền Bắc, đi suốt từ Lạng Sơn, Quảng Ninh tới Vĩnh Phúc đâu đâu cũng thấy trồng cam. Riêng vùng trung du phía Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu với diện tích cam, bưởi, quýt lên đến 43.000ha (chiếm 23,5% diện tích cây ăn trái và chiếm 60% diện tích cây có múi các tỉnh phía Bắc, bằng 27% diện tích cây có múi cả nước).

Do có thu nhập cao từ các diện tích trồng cây có múi thời gian qua, ngay cả vùng trồng vải thiều nổi tiếng là Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có tình trạng nông dân đốn cây vải để trồng các loại cây này.

Bưởi da xanh cũng không còn là đặc sản riêng của Bến Tre mà nhiều vùng ở phía Bắc đã trồng và cho ra thị trường…

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường: “Nông nghiệp sản xuất theo thị trường, Bộ Nông nghiệp- PTNT không được phép yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này cây kia. Có chăng là ra văn bản khuyến cáo các địa phương sản xuất như thế nào cho hợp lý, giảm rủi ro…”.

Đó là vấn đề lãnh đạo các cấp ở địa phương và chính nông dân phải suy nghĩ và cẩn trọng khi định hướng sản xuất cho địa phương và trên mảnh đất nhà mình, nhất là khi phát triển cây có múi trong tình hình hiện nay.

Trên thực tế, không riêng gì ở tỉnh ta, thời gian qua diện tích trồng cây có múi ở ĐBSCL cũng phát triển khá rầm rộ, đã có nơi người trồng mướn đất ruộng hàng hec-ta để trồng cam sành theo quy trình “5 năm” (từ trồng đến thu hoạch rồi trả đất cho chủ) mà người ta gọi đùa là trồng “cam rau” từng gây lo lắng cho các nhà vườn vùng chuyên canh cam sành nổi tiếng ở Tam Bình.

Cũng đã có hiện tượng nơi này nơi kia từng lúc giá trái cây có múi sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí giá chỉ còn một nửa do quy luật cung cầu gây ra tình trạng “được mùa mất giá”.

Cũng có trường hợp người sản xuất trồng cây chạy theo phong trào do thiếu kinh nghiệm làm chất lượng trái kém, gây ảnh hưởng xấu đến tiếng tăm vốn có của cây trái trong vùng…

Vì vậy, thiết nghĩ ngay từ bây giờ bà con nông dân đã trồng hay quyết định trồng các loại cây có múi nên nghĩ đến những cách làm có căn cơ đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo và hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh những rủi ro về sau, đặc biệt là tránh “mù” thông tin và phải hiểu rõ kỹ thuật sản xuất trước khi quyết định trồng một loại cây.

Chính quyền các địa phương có diện tích một loại cây ăn trái lớn cần hướng dẫn và tạo thuận lợi cho người trồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, nếu có điều kiện thì tùy điều kiện thực tế thực hiện các mô hình liên kết nhiều nhà, chẳng hạn như mô hình liên kết “6 nhà” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018 với chủ đề “Vĩnh Long chủ động hợp tác phát triển bền vững” vào ngày 27/3 vừa qua (“6 nhà” đó là: nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối).

Bởi “Chúng ta làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thành công!”- Thủ tướng nói.

NGUYỄN VĂN TƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh