Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2017- 2018 nhưng ở một số địa phương trong tỉnh đã có thương lái đến hỏi thu mua lúa và đặt tiền cọc.
Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2017- 2018 nhưng ở một số địa phương trong tỉnh đã có thương lái đến hỏi thu mua lúa và đặt tiền cọc.
Bà con cần lưu ý việc các thương lái đặt cọc tiền thu mua lúa. Nếu tại thời điểm thu hoạch mà giá lúa trên thị trường bằng với giá lúa lúc thương lái đặt cọc thì không có vấn đề gì xảy ra.
Điều đáng nói ở đây là khi giá lúa trên thị trường giảm hoặc tăng hơn so với thời điểm thương lái đến đặt cọc, thì thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân.
Có một thực tế mà bất kỳ nông dân nào cũng biết: Trước hết, nhận tiền đặt cọc của thương lái nghĩa là nông dân sẽ được đảm bảo giá bán khi thu hoạch lúa.
Chẳng hạn, hiện nay thương lái tìm đến mua lúa với giá 115.000 đ/giạ, tương đương 5.750 đ/kg. Nếu đến kỳ thu hoạch, giá lúa có giảm thì nông dân vẫn được đảm bảo mức giá thương lái đặt cọc ban đầu.
Hiện tại, thương lái đặt cọc trước mỗi công chỉ khoảng 300.000 đồng. Do đó, đến kỳ thu hoạch mà giá lúa trên thị trường giảm (so với lúc đặt cọc) thì các thương lái tính toán:
nếu tiền phải bù lỗ khi thu mua lúa của người dân cao hơn so với tiền đặt cọc bỏ ra, thì họ sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc, không đến thu mua lúa của người dân.
Như vậy, lúa tới ngày thu hoạch mà không có thương lái đến mua thì nông dân buộc phải bán đại, bán tháo. Dĩ nhiên, những người bán lúa kiểu như thế sẽ bị thương lái khác ép giá nhưng vẫn phải bán cho họ.
Bởi, đối với nông dân, các chi phí như: tiền sinh hoạt trong gia đình, tiền trả chi phí vật tư nông nghiệp, tiền thuê máy cắt lúa, … đều trông chờ vào vụ thu hoạch lúa. Cho nên, dẫu sao thì người trồng lúa vẫn tìm cách bán lúa cho bằng được.
Còn ngược lại, nếu giá lúa có tăng và cao hơn giá lúc đặt cọc thì thương lái vẫn thu mua với giá ban đầu, không trả thêm bất cứ khoản nào khác.
Thực tế cho thấy, nông dân là những người trực tiếp làm ra hạt lúa, nhưng lúc thu hoạch thì họ luôn rơi vào tình thế bị động.
Nhiều người cho biết, nếu những người làm ruộng xung quanh mình người ta đã nhận tiền cọc của thương lái, mà mình không nhận cũng không được.
Bởi, khi đến kỳ thu hoạch, lúa của người dân xung quanh sẽ được máy cắt cắt xong, kéo về tập trung tại một địa điểm. Sau đó, thương lái mới đến thu mua.
Nếu ai không có nhận tiền đặt cọc trước thì nhiều khi thương lái không chịu mua. Họ viện đủ mọi lý do để từ chối thu mua, nào là chỉ mua những hộ đã đặt cọc trước, đã mua đủ số lượng nên không cần hay hết tiền, còn phải đến nơi khác mua…
Một vấn đề nữa, ở một số địa phương khi đặt tiền cọc cho nông dân xong, đến lúc thu hoạch thì thương lái lại dùng kế “hoãn binh” để kéo dài thời gian cho lúa chín rục.
Điều này sẽ mang lại lợi ích cho thương lái là hạt lúa ít được phơi khô nên ít “nhót”.
Còn đối với nông dân thì ngược lại, chẳng những trọng lượng hạt lúa bị giảm (nhẹ) khi cân bán cho thương lái, mà còn tăng thất thoát ở khâu thu hoạch ngoài đồng.
Như chúng ta biết, một khi lúa ngoài đồng chín rục mới cắt thì hạt lúa dễ rụng hơn.
Thiết nghĩ, nông dân làm ra được hạt lúa rất cực khổ. Họ phải đổi biết bao là mồ hôi, công sức lẫn chi phí. Do đó, quyền lợi chính đáng của họ cần được bảo vệ, giúp cho họ an tâm tiếp tục lao động sản xuất.
NGUYỄN VĂN DÔ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin