Cảnh giác với việc kết bạn qua Facebook

06:02, 07/02/2018

Tôi có người dì ruột góa chồng đã lâu, sống ở quê, làm nghề thợ may. Thấy dì cô đơn tuổi già nên con cháu có mua tặng dì một chiếc điện thoại thông minh để lên Facebook, Zalo, Viber liên lạc với bạn bè xưa trong và ngoài nước.

Tôi có người dì ruột góa chồng đã lâu, sống ở quê, làm nghề thợ may. Thấy dì cô đơn tuổi già nên con cháu có mua tặng dì một chiếc điện thoại thông minh để lên Facebook, Zalo, Viber liên lạc với bạn bè xưa trong và ngoài nước.

Vừa rồi, dì có điện cho tôi hỏi về vấn đề liên quan đến Facebook. Nguyên do dì có quen một người bạn trên Facebook tên J.M. (người đó chủ động làm quen) chưa đầy một tuần nhưng ông ta đã đề nghị gửi tiền (1.000 USD) cho dì tiêu xài.

Thấy có vấn đề gì đó không ổn nên dì nhờ tôi kiểm tra giúp về người bạn mới của dì. Theo tự giới thiệu, ông ta ngụ ở TP Houston (tiểu bang Texas, Mỹ), là thiếu tướng lục quân Mỹ. 2 người trao đổi với nhau bằng tiếng Anh nhờ Google Translate (công cụ dịch thuật) vì dì tôi không rành Anh ngữ.

Sau khi tìm hiểu thông qua các trang web nước ngoài, Google Search cũng như vào trang Facebook của người bạn dì, tôi đoan chắc đây là một kiểu lừa đảo.

Bởi trang Facebook cá nhân J.M. chỉ mới lập cách đây 2 tháng, có lèo tèo vài hình ảnh của một người Mỹ (nhưng không thấy mặc quân phục), nơi từng học lại là Liberia (quốc gia ở Tây Phi).

Mục bạn bè ở chế độ chặn không ai xem được và chẳng có status nào ngoài những tấm ảnh đăng rải rác. Khi tôi kêu dì yêu cầu ông J.M livestream thì bị ông ta thoái thác vì bận rộn. Vài ngày sau thì tài khoản Facebook đó đã không còn nữa.

Hiện nay, hình thức kết bạn để lừa đảo rất nhiều. Chiêu này không phải là mới (tung hoành khoảng 2 năm nay) nhưng đối với những người nhà quê như dì tôi, ít xem tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên rất dễ bị lừa gạt. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều về các trường hợp này.

Chúng làm quen với những người phụ nữ Việt (kể cả đàn ông) bằng hình ảnh đại diện bảnh bao trên Facebook, đến từ Mỹ, Châu Âu, nghề nghiệp ổn định, nói chuyện thì rất ngọt ngào làm xiêu lòng người. Sau đó bọn chúng đề nghị giúp đỡ và yêu cầu “con mồi” cung cấp số tài khoản, các chi tiết liên quan.

Từ đó bọn chúng có thể “đào sâu” vào tài khoản của nạn nhân để tìm cách rút tiền chứ không hề gửi tặng. Lại có trường hợp, chúng ngỏ ý tặng quà hàng hiệu đắt tiền như túi xách, nước hoa, điện thoại.

Trong thời gian chờ quà đến tay, sẽ có một người tự xưng là nhân viên sân bay đang giữ gói hàng và nếu muốn nhận quà, phải nộp tiền để lấy gói hàng ra.

Hoặc, kẻ lừa đảo dựng chuyện đi du lịch hoặc công tác ở một quốc gia khác, bị trục trặc đến tiền bạc trong thẻ, nhờ nạn nhân giúp đỡ và hứa trong vòng một tuần sẽ gửi lại.

Khi đã lấy được tiền thì chúng “bặt vô âm tín”, không liên lạc nữa. Theo truyền thông thì những kẻ lừa đảo có tổ chức này thường đến từ các quốc gia Đông Nam Á và Châu Phi.

Cần nhìn nhận khách quan, không phải trường hợp nào cũng lừa đảo. Vì có rất nhiều người nhờ kết bạn qua Facebook đã nên vợ nên chồng, bạn bè tốt.

Nhưng không vì thế mà cư dân mạng đặt niềm tin quá nhiều vào mạng xã hội. Mọi người cần tỉnh táo, cảnh giác trước những đối tượng kết bạn làm quen nhưng không biết rõ nguồn gốc.

Đừng vì chuộng ngoại, mong muốn tìm một người bạn ưng ý, ham giàu sang mà đánh rơi lý trí. Không nên đưa tiền cho người lạ mượn, cũng như không nhận bất cứ thứ gì không thuộc về mình, bởi ông bà xưa thường nói: “Vô công bất thụ lộc”.

TRẦN THÁI HỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh