Ông bà và cháu thời hiện đại

05:10, 06/10/2017

"Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn" (Ca dao). Được lên chức ông, chức bà có nhiều niềm vui nhưng cũng mang nhiều trách nhiệm, đối với con, với cháu cả vật chất lẫn tinh thần.

“Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn” (Ca dao). Được lên chức ông, chức bà có nhiều niềm vui nhưng cũng mang nhiều trách nhiệm, đối với con, với cháu cả vật chất lẫn tinh thần.

Cháu là quá khứ của ta, là hiện tại và quan trọng hơn, là tương lai của chúng ta. Ta nhìn thấy con ta tái sinh trong đôi mắt của cháu, nghe thấy âm vang của người cha trong tiếng cười của cháu.

Vậy nên ông bà thương cháu là lẽ tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy. Nhớ lại thuở xa xưa, khi đất nước còn sống trong cảnh bao cấp, cuộc sống còn có nhiều khó khăn nhưng tiếng nói của ông bà rất được coi trọng, kính nể.

Ngay cả việc dựng vợ, gả chồng cho con cái đều do ông bà sắp xếp, sao cho môn đăng hộ đối, không nghịch với lễ giáo, gia phong của dòng họ.

Nhưng giờ đây, mọi sự đều thay đổi, theo cuộc sống phát triển, hội nhập của đất nước. Vả lại, ngày nay ông bà cũng đã nghĩ thoáng hơn trước đây.

Chính vì thế mà ông, bà không can thiệp vào việc nuôi cháu của các con. Ông, bà có thể giúp đỡ như chăm sóc, dạy dỗ cháu, theo ý muốn của ba mẹ chúng.

Ông bà là người tin cẩn để cháu tâm sự khi có vấn đề không nói được với ba mẹ. Chỉ cần sự có mặt của ông bà thôi cũng đã mang lại cho các cháu một niềm tin và niềm tự hào rồi.

Ông bà còn là cầu nối trung gian, hóa giải khi các cháu có những vấn đề không đồng quan điểm với ba mẹ. Ông bà là nơi an toàn để cho cháu nương tựa, khi cần.

Ông bà có thể là những người hỗ trợ và bảo vệ cháu, giống như một “nơi trú ẩn an toàn”. Dạy cho cháu những kỹ năng sống.

Truyền cảm hứng cho cháu để cháu thấy được niềm tin và sự hứng thú khi cháu giải quyết được những vấn đề gai góc. Vậy nên vai trò của ông bà rất đặc biệt trong cuộc sống của cháu.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều bậc làm cha làm mẹ lấy lý do bận bịu với công việc, đẩy hết trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ con cái cho ông bà.

Họ cho rằng, đó là trách nhiệm giúp đỡ con cháu trong nhà của ông bà. Vì họ nghĩ đơn giản rằng: người già ở nhà “ngồi không chẳng làm gì” giữ con cháu cho con là đúng rồi.

Theo tôi đó là tư tưởng “Biết mình mà không biết người” của con cái đối với đấng sinh thành ra mình. Riêng quan điểm của vợ chồng tôi thì khác, con dâu tôi ở thành phố nó đẻ mọi người đều bảo tôi sao không cho vợ đi chăm cháu. Tôi cười xòa cho qua.

Thực ra quan điểm của vợ chồng tôi thoáng lắm “con ai người đó chăm”, mình già rồi còn phải nghỉ ngơi. Mình lăn lội thương trường kiếm tiền nuôi chúng nó, cho chúng nó ăn học thành người rồi. Giờ mình không nhờ vả tới con đã là tốt lắm rồi.

Cháu mình thì vẫn là cháu mình, mình vẫn yêu vẫn quý chứ đâu phải không chăm cháu là không yêu quý nó đâu.

Khổ một nỗi thời xưa mình nuôi, dạy con kiểu khác, nay thời hiện đại chúng nó nuôi, dạy con theo kiểu riêng của thời hiện đại. Nên tốt hơn hết là để chúng nó tự nuôi con chúng nó là tốt nhất.

Vậy nên vợ chồng nó đã có 2 đứa con rồi nhưng cả 2 lần vợ tôi đều không phải vào chăm bẵm, giặt giũ gì cả. Tôi bàn với vợ là để cho chúng tự lo mọi việc để chúng tập cho quen với cuộc sống của một gia đình.

Thiếu gì, cần ăn gì, nếu có thì vợ chồng tôi gửi ở quê vào cho thôi, chứ mình già rồi, động tay vào mấy việc của con cái nó không thích vì nó cứ nghĩ mình là nhà quê. Cộng với việc nếu vợ tôi có làm gì không vừa ý thì mẹ chồng con dâu lại to tiếng với nhau. Tôi không thích điều đó.

Cạnh nhà tôi có một bà, con dâu đẻ, bà ấy gác hết công việc ở quê để lên chăm cháu.

Thế nhưng được dăm bữa nửa tháng không hợp nhau, chỉ đơn giản như việc con dâu “chê” bà giặt quần áo không sạch, rồi pha sữa cho con không đúng liều lượng...

Thế là bà ấy về quê thôi. Thật ra, chẳng trách con được, ngược lại các con cũng không nên trách ông bà được vì do 2 thế hệ khác nhau nên cách chăm cháu theo kiểu truyền thống và hiện đại lại càng khác xa nhau nên nảy sinh mâu thuẫn con dâu- mẹ chồng cũng từ việc chăm cháu mà ra.

Nói tóm lại: ông bà có cuộc sống riêng của ông bà. Hãy tôn trọng quyết định của họ về những gì họ có thể và sẵn sàng làm cho con cháu.

Xưa cũng như nay, ông bà đều có những việc làm rất cao đẹp đối với con cháu. Vậy nên con cháu cũng cần phải biết và trân trọng tình cảm của ông bà. Đừng nên nghĩ ông bà là phải giúp đỡ mình mà quên đi cuộc sống riêng tư của những người già, đó là điều tối kỵ nhất.

VÕ HOÀNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh