Dạy trẻ kỹ năng ứng phó với thiên tai

04:10, 26/10/2017

Hiện nay, đang vào cao điểm của mùa mưa lũ, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Thực tế cho thấy, thiên tai đã và đang gây ra nhiều hậu quả khó lường và nó đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người.

Hiện nay, đang vào cao điểm của mùa mưa lũ, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Thực tế cho thấy, thiên tai đã và đang gây ra nhiều hậu quả khó lường và nó đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người.

Theo thống kê của ngành chức năng, đến ngày 14/10/2017, trong đợt mưa lũ vừa qua cả nước đã có 99 người chết và mất tích. Trong số đó, phần lớn là người già và trẻ nhỏ.

Đối với trẻ nhỏ, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đối với các em trong mùa mưa lũ, mà nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu sự quan tâm từ phía gia đình và đặc biệt là ở các em chưa được trang bị kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên nhiên.

Điển hình như mới đây, vụ đuối nước thương tâm làm 2 bé trai ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) tử vong ở cánh đồng ngập nước lũ.

Do đó, dạy cho trẻ kỹ năng ứng phó với thiên tai là điều rất cần thiết. Trước hết, hướng dẫn cho trẻ nhận biết những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn do thiên tai gây ra như: sấm sét, lốc xoáy, nơi sạt lở, nơi nước sâu, dòng nước chảy xiết… chỉ rõ cho trẻ biết biểu hiện của từng hiện tượng thiên tai và hậu quả của nó có thể xảy ra.

Kế tiếp là trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai cho trẻ. Kỹ năng quan trọng nhất là dạy bơi cho trẻ.

Như chúng ta biết, hiện nay vào thời điểm nước lũ dâng cao, nhiều nơi bị tràn ngập trong nước lũ. Do đó, tai nạn đuối nước có thể xảy ra đối với các em bất cứ lúc nào.

Một khi trẻ biết bơi, lỡ không may các em đi lại bị hụt chân té xuống nước, lúc đó tự bản thân các em biết bơi thì sẽ tránh được tai nạn đuối nước.

Kỹ năng tiếp theo là phòng chống sét đánh. Thường xuyên nhắc nhở trẻ, vào thời điểm có thể xảy ra sấm sét (trước, trong và sau cơn mưa), không ở ngoài đồng trống, không trú ẩn ở dưới gốc cây cao, cây cổ thủ; không khuân gác, cầm nắm hoặc tiếp xúc với những vật bằng kim loại có khả năng dẫn điện như: dao, kéo…; tuyệt đối không tiếp xúc điện thoại di động, các phích cấm điện, ăng ten ti vi, quạt máy… nói chung là những thiết bị điện đang sử dụng khi trời mưa.

Vì những loại thiết bị đó đều có nguồn điện. Một khi có nguồn điện thì khả năng dẫn điện từ nguồn sét là rất cao.

Kỹ năng quan sát và chọn địa điểm an toàn để vui chơi. Theo bản tính vốn có của những đứa trẻ thì các em rất thích vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa. Điều đáng nói là trước khi tổ chức cuộc chơi, nhiều trẻ gặp đâu thì chơi đó, các em chưa nhận biết nơi nào an toàn và nơi nào nguy hiểm khi chơi.

Vì thế, phụ huynh phải thường xuyên bên cạnh và hướng dẫn cho các em nhận biết những nơi không an toàn và không nên tổ chức chơi ở gần những nơi: có dấu hiệu sạt lở (vết nứt), nơi gần mé sông hay những nơi có dòng nước chảy xiết… Bởi, nếu chơi ở những khu vực này khả năng rủi ro gây tai nạn đáng tiếc rất cao.

Hiện tại, chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng không ngừng nỗ lực tìm mọi giải pháp thích hợp để phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ việc trang bị cho trẻ kỹ năng ứng phó với thiên tai cũng là vấn đề mà phụ huynh cần phải quan tâm, nhằm góp phần chung tay kéo giảm thương vong do thiên tai gây ra.

Nguyễn Văn Dô (Long Hồ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh