Một buổi sáng cuối tuần, khi tôi đang chạy xe trên đường thì thấy có nhóm đông đang vây quanh một phụ nữ. Thì ra, chị ấy vừa bị giật túi xách.
Một buổi sáng cuối tuần, khi tôi đang chạy xe trên đường thì thấy có nhóm đông đang vây quanh một phụ nữ. Thì ra, chị ấy vừa bị giật túi xách.
Tôi dừng xe lại gần bảo chị nên báo ngay công an và cố nhớ xem đặc điểm nhận dạng cũng như biển số xe của tên cướp. Những người đứng đó đa phần chọn cách không lên tiếng hay chỉ xì xào nho nhỏ. Có người thì bảo may mà người không bị gì, thôi thì coi như của đi thay người!
Ra đường thấy người gặp nạn, nhiều người chỉ đứng lại xem chứ không ra tay giúp đỡ. Tại sao?
Thực tế có nhiều lý do được đưa ra khiến người ta ngại giúp đỡ khi bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn trên đường phố: vì sợ muộn giờ, nghĩ rằng đã có người khác giúp rồi, đó không phải việc của mình, sợ vạ lây...
Nhiều người gặp người bị nạn chỉ ngoái lại nhìn rồi thản nhiên đi tiếp. Bên cạnh, còn những nguyên nhân khác đến từ gia đình như con cái được nhận sự chở che quá mức dẫn đến tâm lý ích kỷ, không quan tâm đến người khác.
Rồi từ các phương tiện truyền thông đại chúng lôi kéo con người tập trung vào hưởng thụ cá nhân. Đặc biệt là tội phạm hiện nay quá lộng hành, có nhiều trường hợp người tốt bị lợi dụng, bị lừa.
Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi ngoài đường phố của mọi người. Khi đã mất dần cảm xúc tốt thì người ta sẽ trở nên vô cảm, ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Phải chăng sự vô cảm xuất phát từ sự cảnh giác cố hữu của người dân thành thị?
Nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận một sự thật rằng: Ở bất cứ đâu thì cũng có kẻ xấu và người tốt. Khi con người sống trong môi trường đoàn kết, có sự quan tâm, hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau thì một người xảy ra chuyện lập tức những người xung quanh liền xúm vào giúp đỡ.
Chính sự đoàn kết này một phần giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác, một phần khiến kẻ xấu sợ hãi không dám ra tay.
Ngược lại, nếu chúng ta tôn thờ lối sống theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng” thì đi cùng với đó là sự phân hóa giàu nghèo khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân, của gia đình mình.
Không hiếm trường hợp, hàng xóm gặp nạn mà người sát vách không hay biết gì. Có người thì do thói quen sống không để ý đến ai hoặc có người thì cố tình thờ ơ cho rằng đó không phải là việc của mình. Dĩ nhiên đến khi bản thân họ gặp chuyện cũng chẳng ai giúp đỡ. Đây là mảnh đất màu mỡ cho cái xấu ngày càng sinh sôi.
Vì thế để chế ngự và đẩy lùi cái xấu, mọi người cần phải chung tay đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều những hiệp sĩ đường phố giúp dân bắt cướp, những người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ kẻ hoạn nạn
. Điển hình hơn là ở một số khu dân cư trong thành phố, người dân vẫn đùm bọc giúp đỡ nhau nên an ninh trật tự trên địa bàn sinh sống của họ được giữ gìn rất tốt.
Để làm được điều này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, cảnh sát thì toàn xã hội cần siết chặt đấu tranh phòng chống tội phạm. Mỗi công dân phải tự ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Người lớn cần làm gương sáng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ, thầy cô đã vô cảm thì khó lòng giáo dục được thế hệ trẻ có ý thức hay giàu lòng nhân ái. Riêng bản thân người trẻ hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng sống là của mình chứ đừng chỉ ngồi trông chờ vào sự ban phát từ người khác.
Đừng để tâm lý đám đông khiến những hành động tốt trở nên cô đơn, lạc lõng!
DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin