Trong bài viết này, tôi không đề cập về nội dung của y đức, vì nó đã được nói đến nhiều, nhắc đến nhiều ở mọi nơi, mọi lúc của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền mỗi khi nói về công tác y tế phục vụ nhân dân.
Trong bài viết này, tôi không đề cập về nội dung của y đức, vì nó đã được nói đến nhiều, nhắc đến nhiều ở mọi nơi, mọi lúc của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền mỗi khi nói về công tác y tế phục vụ nhân dân.
Có người bạn làm nghề y đã về hưu nói với tôi có ý hơi than phiền: Tại sao không nói đến vấn đề đạo đức các ngành nghề khác mà cứ nói ngành y phải có y đức?
Thật ra, không phải chỉ có làm ngành y mới đòi hỏi về đạo đức mà trong xã hội, bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp, bởi công việc làm của một người đều có liên quan đến mọi người cả về cái tốt và cái xấu.
Nhưng nghề y nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân là “lằn ranh trách nhiệm và đạo đức” của người thầy thuốc.
Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Câu nói đó ai cũng có thể suy ra được rằng: nghề y nếu có đạo đức là nghề cao quý cứu sống biết bao nhiêu người bệnh, còn nếu như người làm nghề y mà thiếu đạo đức không những chỉ “chặt”, “chém”, làm tiền, làm phiền người bệnh mà còn có thể gây chết người do tắc trách… Cái đó mới bị dư luận lên án, người nhà bệnh nhân phản ứng gay gắt.
Trong xã hội ta ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành y tế được Đảng, Nhà nước giao cho nhiệm vụ phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Vì thế, người ta mới nói nhiều về đạo đức, vì có đạo đức mới có thể phục vụ tốt, có đạo đức mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cũng chính vì vậy mà Đảng ta luôn đề cao đúng mức vai trò của đạo đức trong ngành y.
Lúc còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức của con người nói chung, đặc biệt là đạo đức của ngành y (y đức). Người đã tạo lập nên y đức mới- y đức cách mạng- cái đạo đức phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân.
Trong thư gửi hội nghị quân y tháng 3/1948, Bác Hồ viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần của người ốm yếu”.
Trong thư gửi hội nghị y tế toàn quốc năm 1953, Bác Hồ lại viết: “Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân “lương y như từ mẫu”.
Trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế tháng 2/1955, Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mạng nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…”
Nội dung của y đức được Hồ Chí Minh xác định đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và chính xác nhất trong bức thư này.
Đó là việc không thể bàn cãi, kể từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và lãnh đạo ngành y tế quan tâm chăm sóc tốt công tác chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Điều không thể phủ nhận là trong chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành y tế làm tốt chức năng, nhiệm vụ chữa trị và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phòng chống có hiệu quả các dịch bệnh, đặc biệt là phục vụ cho người nghèo...
Tuy nhiên, nếu như trong xã hội có mặt tốt, mặt xấu, tích cực và tiêu cực đan xen nhau thì trong bất cứ ngành nghề nào cũng đều phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống xã hội.
Trong công tác y tế và trong đội ngũ những người làm ngành y cũng vậy, có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Có người tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân với đầy đủ trách nhiệm của người thầy thuốc nhân dân nhưng cũng có phần tử lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, làm giàu trên sự đau khổ của người khác; có người hết lòng, hết sức vì người bệnh, xem người bệnh như người thân của mình theo lời Hồ Chủ tịch dạy, nhưng cũng có người cáu gắt, nặng nhẹ bệnh nhân, vòi vĩnh, nhận phong bì… gây sự phiền hà, gây bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc nhân dân, vì nhân dân phục vụ theo lời dạy của Bác Hồ. Thành ngữ ta có câu: “Con sâu làm rầu nồi canh” (một cá thể làm xấu, làm ảnh hưởng uy tín đến cả một tập thể).
Thật vậy, công bằng mà nói ngành y tế của chúng ta đã có biết bao tấm gương tận tụy của người thầy thuốc, đã cứu sống biết bao bệnh nhân trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn… nhưng mỗi khi có sai sót gì, có một số người có thái độ không tốt với bệnh nhân hoặc có những hành vi tiêu cực khác thì lập tức vấn đề y đức lại được nói đến cả ngành y tế.
Dư luận (kể cả báo chí) lên án, phê phán những tiêu cực, những tắc trách của một số người hành nghề y là đúng, là cần thiết nhưng không thể phủ nhận toàn bộ sự cống hiến của những y, bác sĩ hết lòng phục vụ nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.
Ông bà ta thường nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Chúng ta rất lấy làm tiếc về những tiêu cực trong ngành y trên cả nước thời gian gần đây và kiên quyết không khoan nhượng với những hành vi tiêu cực trong đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế vì chẳng những nó trái với lời dạy của những danh y thời xưa mà đặc biệt là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN THANH HÙNG
(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin