Trong xã hội, vẫn còn bao người khó khăn trong cuộc sống cần sự giúp đỡ thật sự. Họ không biết làm cách nào để mưu sinh, để vượt qua giây phút khó khăn.
Trong xã hội, vẫn còn bao người khó khăn trong cuộc sống cần sự giúp đỡ thật sự. Họ không biết làm cách nào để mưu sinh, để vượt qua giây phút khó khăn.
Và những ai trao tặng họ những đồng tiền lẻ- những đồng tiền ấy thể hiện lòng nhân ái, tính cộng đồng- thật đáng trân trọng. Cho tiền những người xin ăn là một nghĩa cử nhân văn. Nhưng, có những người giả mạo, lừa dối để lấy lòng thương cảm của người khác thật đáng lên án.
Tôi nói lên điều này khi tôi đặt nhầm niềm tin.
Mấy ngày trước lúc 8 giờ sáng, tôi đứng trước sân vận động chờ người bạn. Một thanh niên nhỏ người, đội chiếc nón bảo hiểm trắng. Với khuôn mặt trầm buồn, anh ta lại hỏi tôi xin tiền. Người thanh niên nói: “Em chở ba đi khám bệnh. Xe hư em sửa ở ngã ba Cần Thơ, giờ em không có tiền trả.
Người sửa xe bảo em đi mượn ai rồi trả đủ mới cho lấy xe. Ba em đang ngồi chỗ sửa xe chờ...” Tôi hỏi lại, “em sửa xe tiệm nào, em còn thiếu bao nhiêu”.
Người thanh niên chỉ tay về hướng ngã ba Cần Thơ, bảo xe sửa ở đấy. “Em xin được 70.000đ rồi, còn thiếu 30.000 nữa thôi”- người thanh niên nói.
Tôi suy nghĩ, đấu tranh nội tâm. Chỉ 30.000đ để giúp 2 người. Nếu không cho thì áy náy lòng. Tôi trao em 30.000đ rồi mà lòng nghi ngại, đưa ánh nhìn theo em.
Đến trước cổng Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, người thanh niên lại ghé vào nói chuyện với bạn sinh viên ngồi trên băng đá. Tôi nghi ngờ liền chạy đến hỏi. Em sinh viên kể cho tôi nghe y câu chuyện người thanh niên vừa kể tôi nghe. Em và tôi chỉ biết lắc đầu.
Trưa, tôi đi làm thấy người thanh niên ấy ngồi ở trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Phường 2). Và nay lại gặp người thanh niên này xuất hiện ở đường Trần Phú (Phường 4- TP Vĩnh Long).
Hay như “bà già” ngồi ở lối đi bộ trên cầu Lộ, chẳng biết bao năm nhưng theo tôi biết phải là hơn 10 năm rồi. Khi tôi mới bước chân lên Vĩnh Long (khoảng năm 2004) là đã thấy “bà già” ngồi đây ăn xin rồi. Có hôm tôi thấy, một người đàn ông chạy chiếc xe máy chở “bà già” này về.
Qua ánh đèn, tôi thấy không phải một cụ già hom hem mà là một phụ nữ ở tuổi trung niên. Vậy phải chăng “nghề” của người phụ nữ này là ăn xin? Tôi lại ngại, vì cho tiền họ chẳng khác nào giúp sức cho kẻ xấu.
Vậy có nên hay không nên cho tiền những người ăn xin? Bên cạnh giúp người khó khăn, cơ nhỡ có địa chỉ hẳn hoi, xã hội cần tích cực vạch mặt những trường hợp giả mạo người tàn tật, người mang bệnh, người gặp khó khăn… để người khác không đặt nhầm niềm tin.
HỮU THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin