Sưởi ấm tình người

02:01, 18/01/2017

Lời cảm ơn nghẹn ngào xen lẫn nụ cười hiền nở theo giọt nước mắt dù đã cố kiềm nén nhưng vẫn chực lăn trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông hôm ấy đến bây giờ vẫn còn gợi trong tôi nhiều suy ngẫm. Đôi khi một cử chỉ nhỏ cũng làm ấm lòng một ai đó…

Lời cảm ơn nghẹn ngào xen lẫn nụ cười hiền nở theo giọt nước mắt dù đã cố kiềm nén nhưng vẫn chực lăn trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông hôm ấy đến bây giờ vẫn còn gợi trong tôi nhiều suy ngẫm. Đôi khi một cử chỉ nhỏ cũng làm ấm lòng một ai đó…

Trong không khí tấp nập, nhộn nhịp của những ngày cận tết, tôi cũng như bao người con xa quê khác tranh thủ buổi tối cuối tuần mua thêm ít quà mừng năm mới. Nhìn dòng người vội vã xuống phố, háo hức sắm sửa để chuẩn bị đón tết, lòng tôi cũng hóa rộn ràng.

Tôi cười thầm khi mường tượng đến cảnh những đứa cháu mừng rơn chạy tìm hết người này đến người khác khoe bộ áo mang màu tết mà tôi vừa mua cho. Còn mẹ, thể nào mẹ cũng ưng ý với chiếc áo ấm mà tôi đã chọn dù miệng thì cứ luôn bảo: “Mua chi cho tốn tiền vậy con?” Như tôi, ai cũng có quyền được quay về, được sống và tận hưởng cái không khí ấm áp của buổi cơm đoàn viên ngày 30 tết.

Khi điểm qua đã đủ những thứ cần mua, tôi lui xe ra về thì hình ảnh cha con người bán vé số khiến tôi chựng lại và chạnh lòng.

Anh- người thanh niên trẻ với một chân tật nguyền. Và, đi sát sau anh là đứa con độ còn tuổi mẫu giáo. Dường như gánh nặng cuộc sống làm anh già đi trước tuổi với làn da đen sạm trên một thân hình gầy nhom.

Với những bước chân khập khiễng, anh mời người qua đường từng tờ vé số. Dẫu vậy, nhìn vào đứa bé, tôi biết anh là một người cha có trách nhiệm. Trong cái lạnh căm căm của những ngày giáp tết, anh vẫn không quên mặc áo ấm cho con. Đổi lại sự ấm áp của đứa bé là sự giá lạnh của người cha chỉ độc trên người chiếc áo rách mỏng tang.

Anh mời tôi vé số. Như quán tính, tôi lắc đầu. Thấy tôi từ chối, anh dắt con quay đi để tìm người khách khác. Anh không nài nỉ hay than vãn gây khó chịu cho người mua như một số người bán khác.

Chợt câu nói của anh hỏi con khiến tôi nhói lòng: “Có lạnh lắm không con? Cha ráng bán hết xấp vé này, mai sẽ đủ tiền mua dép mới cho con, dép con đã không còn mang được nữa rồi!”

Trong anh, tôi cảm nhận được nỗi vất vả và cô đơn của thân phận gà trống nuôi con. Nhưng dù anh nghèo, anh vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người cha khi ngoài kia là tết đến, xuân về.

Nhìn cảnh tượng người cha với những bước chân khó nhọc nhưng vẫn nắm chặt tay con mà nghe xốn xang trong lòng. Tôi gọi với và biếu anh đôi dép tôi định mua cho cháu. Thằng bé mừng quýnh, anh nói lời cảm ơn. Anh rất kiệm lời nhưng chắc anh cũng không biết nói gì hơn. Anh mỉm cười- nụ cười hằn sâu vết nhăn nơi khóe mắt rưng rưng.

Có thể tôi sẽ không tìm mua được một đôi dép ưng ý như đôi dép đó. Có thể tôi phải bớt đi một dự định mua sắm khác. Nhưng, khi nhận được lời cảm ơn từ anh, nhìn niềm vui sướng từ thằng bé, lòng tôi thấy cuộc sống này ấm áp hơn. Mong rằng anh bán mau hết xấp vé số và hãy mua một chiếc áo mới cho mình.

Chỉ một hành động, một đóng góp nhỏ nhưng đôi khi cũng đủ ấm lòng một ai đó. Ngoài kia, trong xã hội này còn nhiều người cần lắm sự sẻ chia!

NHẬT LAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh