Tôi còn nhớ, nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả con sông Đà với nhiều ghềnh thác hiểm trở nhưng có đoạn rất trữ tình:"Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân" ("Tùy bút Sông Đà"- Nguyễn Tuân).
Tôi còn nhớ, nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả con sông Đà với nhiều ghềnh thác hiểm trở nhưng có đoạn rất trữ tình:“Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” (“Tùy bút Sông Đà”- Nguyễn Tuân).
Trong khi đó, nói về sông Vàm Cỏ Đông- dòng sông đã cùng người dân đi qua 2 cuộc kháng chiến, nhạc sĩ Trương Quang Lục (thơ Hoài Vũ) lại viết: “Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong…”.
Nghĩa là, dù có những lúc hung tợn hay tả tơi vì bom đạn, sông vẫn có những khúc êm đềm, tươi mát như dòng sữa mẹ ngọt lành nuôi nấng tâm hồn con người qua bao thế hệ.
“Trong tim ai cũng có một dòng riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ”- nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết như vậy trong bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”.
Chợt nghĩ, “dòng sông trong tim” đó chắc êm đềm, trong trẻo lắm, kiểu như:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre” (“Nhớ con sông quê hương”- Tế Hanh). Sông lưu dấu tuổi thơ, sông cùng mẹ tảo tần hôm sớm nuôi con, sông cùng các chú, các anh ra trận và lập chiến công…
Những dòng sông đã đi vào văn học, thơ ca... rất nên thơ, có khi thật oai nghiêm, kiên dũng.
Tuy nhiên, đáng buồn là hình ảnh những dòng xanh trong như trong thơ ca nay rất hiếm thấy. Thay vào đó là hình ảnh những dòng sông đầy rác, khiến cho sông ngày càng ô nhiễm.
Con người có hàng trăm lý do để quẳng rác cho sông như: đó là thói quen, tập quán lâu đời; mình không làm thì người khác cũng làm thôi; sông lớn như vậy, lại thông ra biển, rác cũng trôi theo tuốt ra ngoài biển, biến mất, lo gì?...
Cho nên, những cảnh tượng sông đầy bịch ny lông, vỏ thuốc trừ sâu, xác súc vật… có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ một đoạn sông nào đó, nhất là các con sông nhỏ.
Hậu quả là giờ đây nước sông bị ô nhiễm nặng, phần lớn người dân không còn dám dùng nước sông cho sinh hoạt nữa (trừ những nơi không có nguồn nước khác sạch hơn).
Chấn động hơn là các vụ xả thải của các doanh nghiệp lớn khiến thủy hải sản chết hàng loạt, như dân mất việc, chất lượng cuộc sống của người dân quanh vùng bị ảnh hưởng. Thiệt hại về kinh tế, xã hội… đã hiện rõ trước mắt.
Nhưng còn đó những thiệt hại lâu dài cho thiên nhiên, môi trường sống… chưa thống kê được.
Thiết nghĩ, thực trạng ô nhiễm trên sông hiện nay đã khiến con người không thể suy nghĩ lạc quan và hành động vô tư nữa, cần điều chỉnh hành vi từ những việc làm nhỏ nhất.
Những trường hợp ở tầm vĩ mô như doanh nghiệp xả thải “giết” sông, phá hoại môi trường sống của các loại thủy hải sản, tác động làm thay đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu… xin nhờ các cơ quan chức năng quản lý và chấn chỉnh.
Ở đây, xin được nói đến một khía cạnh khác, nhỏ hơn là mỗi người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường sống của chính mình. Hành động đơn giản như để rác đúng nơi quy định. Xin hãy dừng quăng rác cho sông!
TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin