Góp ý qua fanpage

04:10, 04/10/2016

Từ tháng 12/2015, UBND Hà Nội đã chính thức lập fanpage trên Facebook với tên "Thủ đô Hà Nội- Việt Nam", ảnh đại diện là Khuê Văn Các và ảnh bìa là hồ Gươm.

Từ tháng 12/2015, UBND Hà Nội đã chính thức lập fanpage trên Facebook với tên “Thủ đô Hà Nội- Việt Nam”, ảnh đại diện là Khuê Văn Các và ảnh bìa là hồ Gươm.

Mục đích nhằm thông tin nhanh nhất đến các tổ chức và người dân Thủ đô về chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như TP Hà Nội.

Tuy mới được hơn nửa năm, nhưng tới thời điểm hiện tại, fanpage của UBND Hà Nội đã có hơn 19.000 lượt người thích.

Tương tự ở Hà Nội, những thông tin trộm cướp, đời sống dân sinh như đường sá, cầu cống, môi trường, an ninh xã hội,... trên địa bàn Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) sẽ được UBND quận tiếp nhận và đưa lên fanpage “Ủy ban Nhân dân Quận 12” (hơn 3.000 lượt thích).

Tất cả địa chỉ email, số điện thoại, địa chỉ cơ quan cũng như website được đăng công khai trên fanpage để người dân có thể liên lạc khi cần thiết.

Đây được xem là kênh tương tác giữa chính quyền địa phương và người dân nhanh nhất nên tất nhiên người dân hết sức đồng tình ủng hộ việc làm này.

Từ nhiều năm nay, công nghệ thông tin không còn là điều xa lạ, nhất là với mạng xã hội như Facebook. Tính tương tác thì ai cũng đã rõ: nhanh chóng, kịp thời đến từng giây (mức độ chính xác thì phải xét đến nhiều thứ).

Nhiều vụ án nghiêm trọng hay sự việc dân sự đã được xử lý kịp thời là nhờ người dân góp ý qua Facebook. Chẳng hạn như nhờ Facebook “Cảnh sát Hình sự Khánh Hòa” mà ngành công an ở nhiều huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa phá hàng chục vụ án, do dân cung cấp thông tin.

Nổi bật nhất là nhóm trộm cướp từng thực hiện hơn 30 vụ ở Nha Trang đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa tóm gọn vào tháng 5/2016.

Hay thông qua góp ý trên fanpage Facebook, nhờ thế mà chính quyền địa phương tìm ra được một số đóng góp mang tính xây dựng cao, ý tưởng tuyệt vời mà đôi khi các cán bộ chưa nghĩ ra.

Nhiều người cùng xây dựng tất nhiên là lý tưởng hơn, tư duy cao hơn là một nhóm, một tổ chức. Cũng có đôi khi góp ý còn là cách tìm ra những khuyết điểm, yếu kém ở bộ máy công quyền.

Từ đó cán bộ tiếp thu ý kiến, sửa sai, điều chỉnh, cơ cấu lại bộ máy cơ quan địa phương cho tốt hơn, hoàn thiện hơn. Điều đó cũng đã được thể hiện trên fanpage cá nhân “Bộ trưởng Bộ Y tế”- của bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đặc biệt, Chính phủ đã lập 2 tài khoản Facebook nhằm đưa thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng và một số hoạt động của Chính phủ rộng rãi trên Internet.

Vì vậy, việc một số chính quyền địa phương lập trang fanpage trong thời điểm hiện nay là rất đúng với nguyện vọng của người dân.

Qua đó, người dân có thể nói lên tiếng nói của mình một cách nhanh chóng, kịp thời nhằm góp phần làm cho cộng đồng, xã hội an ninh, văn minh hơn. Mà một khi đã là việc làm hay thì nên nhân rộng ở mọi địa phương trong cả nước.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh