Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong giao dịch hành chính

06:10, 13/10/2016

Hiện nay hầu hết các cơ quan nhà nước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý cũng như thực hiện cải cách hành chính nhằm tiết kiệm tối đa thời gian lẫn tiền bạc trong làm việc. 

Hiện nay hầu hết các cơ quan nhà nước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý cũng như thực hiện cải cách hành chính nhằm tiết kiệm tối đa thời gian lẫn tiền bạc trong làm việc.

Tuy nhiên, hiện nay trong hoạt động hành chính vẫn còn tình trạng coi trọng văn bản in, văn bản có ký đóng dấu, còn với những văn bản điện tử thì chưa được sử dụng một cách chính thống, rộng rãi do chưa đủ độ tin cậy và tính pháp lý…

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường yêu cầu các cơ quan nhà nước đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong giao dịch hành chính tuy nhiên mức độ sử dụng tương đối ít, còn lại hầu như chưa biết đến hoặc chỉ dùng chữ ký số vào một số lĩnh vực cần thiết như khai BHXH, quyết toán thuế,…

Nếu có dùng chữ ký số trong văn bản điện tử để chỉ đạo, điều hành thì cũng chỉ sử dụng nội bộ trong ngành hoặc địa phương mình chứ không giao dịch một cách rộng rãi.

Có thể nói việc đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các văn bản điện tử nhằm bảo đảm độ an toàn, tin cậy cho các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, từng bước tiến đến xây dựng chính quyền điện tử các cấp.

Ưu điểm lớn nhất khi áp dụng văn bản điện tử có chữ ký số là văn bản này không thể làm giả; lãnh đạo đơn vị có thể ký văn bản bất cứ nơi đâu nếu có thiết bị ký số, phần mềm điện tử và Internet góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, giảm giấy tờ, bảo mật, chính xác, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất khiến các cơ quan nhà nước chưa mạnh dạn ứng dụng chữ ký số một phần do hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tích hợp đa dạng trên các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh; hệ thống các quy định, quy chế về quản lý, lưu trữ và sử dụng văn bản điện tử trong ứng dụng chữ ký số còn nhiều chỗ bất cập, chưa thống nhất.

Đặc biệt, chữ ký số là lĩnh vực mới nên nhận thức của một phần đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo chưa đầy đủ, họ ngại không muốn đổi mới với thói quen đang làm hiện nay,…

Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số đòi hỏi các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từng bước có kế hoạch khắc phục những tồn tại trên và có lộ trình triển khai nhanh chóng để góp phần đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính công, các dịch vụ hành chính điện tử như là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

VĂN THY HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh