Truyện Trạng Quỳnh kể rằng lúc Trạng đi sứ sang Tàu được quan Tể tướng nước này mời về tư dinh cùng với nhiều sứ thần nước khác. Ngồi nơi đại sảnh, chợt nhìn thấy một bức tranh rất sinh động treo trên tường vẽ con chim sẻ đậu trên đầu cây trúc.
Truyện Trạng Quỳnh kể rằng lúc Trạng đi sứ sang Tàu được quan Tể tướng nước này mời về tư dinh cùng với nhiều sứ thần nước khác. Ngồi nơi đại sảnh, chợt nhìn thấy một bức tranh rất sinh động treo trên tường vẽ con chim sẻ đậu trên đầu cây trúc.
Tưởng chim thật, Trạng chồm tới bắt làm cả quan Tể tướng và các sứ thần có mặt cười rộ lên.
Biết bị hố nhưng Trạng vẫn điềm tĩnh nói: “Trúc biểu trưng cho người quân tử, sẻ biểu trưng cho người tiểu nhân. Sao lại có thể để cho kẻ tiểu nhân đứng trên đầu quân tử?” Ai cũng phải thán phục tài xoay trở ứng đối ấy của Trạng Quỳnh.
Tôi nghĩ. Không phải Trạng Quỳnh không biết đó là bức tranh để đến nỗi có hành động hấp tấp lố bịch như thế, mà là dụng ý muốn làm bẻ mặt quan Tể tướng của “Thiên triều”. Nhưng dù sao cũng phải công nhận tay họa sĩ đã khéo vẽ cảnh giống như thật.
Đó là chuyện xưa nói lại cho vui. Ngày nay, cứ dạo phố một vòng mà xem, hàng giả bày bán nhan nhản khắp nơi có khác nào như hàng thật? Không phải là thứ hàng giả theo cách làm bịp bợm mà bằng nghệ thuật tinh vi, bày bán công khai hẳn hoi, được nhiều người ưa thích.
Từ những hoa trái, cây cảnh đến vật dụng bằng chất nhựa, chất đất… tạo nên muôn hình muôn sắc không chê vào đâu được. Tuy có sắc không hương nhưng giả mà lại thật.
Của không thật mua về để trang trí cho vui mắt cũng là đều thích thú. Nhưng đem những thứ trái cây bằng nhựa, nhang bằng điện đặt lên bàn thờ để cúng kính ông bà cha mẹ thì đó lại là sự dối gạt các đấng bề trên, che mắt thánh thần.
Nhưng dù sao, những thứ thật mà giả, giả mà thật ấy cũng đi vào cuộc sống, được đời chấp nhận. Còn có những thứ giả không sao chấp nhận được nhưng lúc nào cũng có mặt, lẫn lộn quanh ta như: giả nhân giả nghĩa, giả đạo đức, giả lòng chung thủy, giả nghĩa bạn bè, giả ân sư trưởng, giả hiếu cha mẹ, giả trung với nước, giả sự nhiệt tình,…
Những thứ giả ấy khéo che đậy kín đáo nên đã đánh lừa được sự tôn trọng của người khác.
Cái thật nằm trong cái giả, cái giả nằm trong cái thật. Thật giả lẫn lộn, thật khó phân biệt. Nhưng, cái thật có giá trị thật và tồn tại theo thời gian; còn cái giả thì chỉ “sống” trong một thời điểm nhất định và rồi cũng bị phát hiện mà thôi.
PHẠM THỊ KIM HOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin