Hiện nay, mạng xã hội đặc biệt là Facebook được sử dụng tương đối phổ biến trong đời sống hàng ngày của nhiều người.
Hiện nay, mạng xã hội đặc biệt là Facebook được sử dụng tương đối phổ biến trong đời sống hàng ngày của nhiều người.
Giới trẻ như học sinh, sinh viên dường như đều sử dụng Facebook để giao lưu, chia sẻ... thông tin.
Chính vì vậy các nhà trường cũng nên thực hiện việc tương tác thông tin qua Facebook để nắm bắt tâm tư, tình cảm học sinh cũng như điều chỉnh kịp thời những hành vi “chưa chuẩn” trên mạng xã hội.
Hiện nay ở nước ta có một số chính trị gia, cơ quan chính quyền, các công ty, doanh nghiệp,... sử dụng mạng xã hội Facebook để tương tác với cộng đồng xã hội ngày càng nhiều.
Rõ nhất là Chính phủ nước ta quyết định đưa trang Facebook mang tên “Thông tin Chính phủ” tại địa chỉ http://www.facebook.com/thongtinchinhphu để người dân xem các thông cáo báo chí, các thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng, cũng như một số hoạt động của Chính phủ đồng thời đăng toàn văn các văn bản để mọi người quan tâm, tiếp cận,…
Thông qua Facebook này, người dân được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, đóng góp hoặc phản ảnh những bất cập do cơ chế chính sách của Chính phủ đưa ra.
Nổi tiếng trong số các chính trị gia về việc sử dụng Facebook để tương tác với cộng đồng là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (https://www.facebook.com/botruongboyte.vn) với những chỉ đạo kịp thời từ các phản ánh của người dân thông qua Facebook.
Còn tại TP Đà Nẵng, nếu như trước đây những việc như cây xanh gãy, trụ điện ngã,... được đưa ra những cuộc họp hàng tháng, hàng tuần để bàn cách khắc phục thì nay người dân có thể phản ánh lên Facebook (https://www.facebook.com/groups/dothidanang) khi đó những người phụ trách sẽ phân công xuống để sửa chữa ngay,...
So với website, cổng thông tin điện tử thì việc tương tác của người dân qua Facebook rất nhanh chóng và kịp thời.
Chính điều này khiến các cơ quan công quyền đang gia tăng sử dụng Facebook làm công cụ để giao tiếp với cộng đồng xã hội.
Hiện nay trong lĩnh vực giáo dục, ở các trường đại học đều có website và fanpage Facebook để cập nhật thông tin và tương tác với sinh viên; ở bậc học phổ thông một số trường THPT, THCS cũng đã làm điều này vì thấy được sự nhạy bén trong việc tương tác trên mạng xã hội. Song mức độ hoạt động của các trường ở bậc học phổ thông chưa nhiều và chỉ mang tính tự phát nên nhiều trường chưa mạnh dạn triển khai.
Đối với học sinh phổ thông, tâm sinh lý và mức độ nhận thức các vấn đề xã hội chưa được sâu sắc và ổn định, đặc biệt khi lên mạng xã hội các em bộc lộ rất nhiều về cá tính, thậm chí trở thành những “con người ảo”, “anh hùng rơm”,...
Vì vậy các trường phổ thông cần đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội là điều hết sức cần thiết. Ngoài việc thông báo những thông tin ở trường, tạo cầu nối cho các em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, còn là nơi để các em bày tỏ những bức xúc, góp ý của mình với những người đang công tác trong trường học. Như vậy việc giảng dạy sẽ được tốt hơn, đẩy lùi tiêu cực trong học đường.
Tất nhiên không thể tránh khỏi những hành động quấy rối trên mạng xã hội, nhưng đây cũng là cách để uốn nắn những học trò và hình thành thói quen phát ngôn chuẩn mực khi ở trong thế giới ảo.
Có thể thông qua Facebook, các em mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình, từ đó những người làm công tác giáo dục mới hiểu hơn các em để góp phần giáo dục các em trưởng thành một cách toàn diện.
VĂN THY HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin