Thời phong kiến, tư tưởng Nho giáo đặt nặng việc "trọng nam khinh nữ". Theo đó, phụ nữ luôn bị coi khinh, là chiếc bóng của người chồng.
Thời phong kiến, tư tưởng Nho giáo đặt nặng việc “trọng nam khinh nữ”. Theo đó, phụ nữ luôn bị coi khinh, là chiếc bóng của người chồng.
Sau quãng thời gian dài đấu tranh không ngơi nghỉ, phụ nữ Việt Nam và cả thế giới đã được tôn trọng thấy rõ. Bằng chứng là đã có ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (thành lập năm 1910), Phụ nữ Việt Nam 20/10 (thành lập năm 1930), Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em Đông Nam Á- ACWC (thành lập năm 2010), Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận năm 1979)... nhằm tôn vinh, bảo vệ, đấu tranh vì phụ nữ.
Ở thế kỷ XXI, phụ nữ đã khẳng định được vai trò quan trọng chẳng những trong gia đình mà còn đối với xã hội. Không riêng gì quốc tế, nhiều phụ nữ Việt Nam đã thành công trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học, đặc biệt là chính trị.
Có thể kể đến những nhân vật ưu tú được báo chí trong và ngoài nước nhắc nhiều trong thời gian qua: Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk Mai Kiều Liên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên,...
Họ đã làm rạng danh phụ nữ đất Việt, khiến ai cũng phải quý trọng, nhất là phái mạnh. Tuy nhiên, đâu đó ở nhiều làng quê, tình trạng phụ nữ bị bạo hành vẫn diễn ra như cơm bữa.
Như mọi người đều biết, phụ nữ nông thôn luôn là những người sống cam chịu, an phận. Dù nhiều lần bị chồng đánh đến thừa sống thiếu chết nhưng sau cơn sóng gió ấy, họ trở lại sinh hoạt với chồng bình thường như
chưa hề xảy ra chuyện gì. Giận lắm, uất ức lắm thì cũng mang đồ về nhà ba mẹ ruột ở vài ngày rồi cũng trở lại ngôi nhà riêng. Nói như thế không có nghĩa là họ lệ thuộc kinh tế, yếu đuối nên để mặc tình chồng đánh đập.
Trong thời chiến cũng như thời bình, phụ nữ thôn quê giỏi việc đồng áng, quán xuyến gia đình, nữ công gia chánh... phải nói là số một. Nhưng như đã nói, do phong cách sống muốn an phận nên nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn nhẫn nhịn cho qua.
Đơn cử là câu chuyện của đôi vợ chồng trong xóm tôi. Chị vợ là người phụ nữ giỏi giang. Trong nhà đều một tay chị làm lấy. Mới tờ mờ sáng chị đã dọn hàng bán cháo, trưa thì bán cơm, chiều bán ốc.
Tối chị phải thức đến khuya may gia công. Nhà nghèo, chị ý thức được điều đó nên ra sức làm. Thế mà anh chồng suốt ngày rượu chè be bét, chẳng giúp vợ, dù chỉ việc nhỏ. Ngay cả chiếc ghế hư chị cũng xách búa, đinh đi sửa. Không phụ vợ thì thôi, anh lại hăm he bán đất, vợ không đồng ý thì anh đánh.
Cũng vì chuyện này mà có lần chị bị chồng lấy ghế đập đầu đến nỗi nhập viện. Trưởng công an khu vực gần đấy nhưng vẫn làm lơ. Bà con trong xóm khuyên chị đi thưa ra công an xã nhưng chị lại thở dài nói thôi.
Đó là tâm lý của hầu hết phụ nữ ở thôn quê khi bị chồng bạo hành. Có chị, khi chồng bị công an xã bắt giam vài ngày thì chạy đến bảo lãnh cho ra. Cũng bởi họ sợ ảnh hưởng đến việc học và tâm sinh lý của con. Lại có nhiều cô dù đã hết duyên với chồng nhưng vẫn chung sống, không ly dị vì sợ tan đàn xẻ nghé sẽ không ai lo cho con cái, mà chúng sống thiếu cha thì rất tội.
Thường khi có chuyện bạo hành, chính quyền địa phương can thiệp thì người chồng lớn tiếng: “đây là chuyện riêng gia đình tôi, đừng can thiệp vào”.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về quyền phụ nữ cũng như quyền con người. Điều 20 Luật Hiến pháp năm 2013 có quy định rõ ràng:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Quyền phụ nữ ở Việt Nam còn được Tạp chí Newsweek nghiên cứu, thống kê và xếp loại cao vào top 45 trong 165 quốc gia và các vùng lãnh thổ (vào năm 2011, nguồn Thedailybeast.com).
Hành vi bạo hành là có tội. Nhưng hiếm thấy ở làng quê, ông chồng đánh vợ bị buộc phải ngồi tù (trừ những trường hợp mang tính chấn động do dư luận và truyền thông phản ánh).
Thường chính quyền địa phương đưa ra hòa giải, phạt lao động công ích chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã đến lúc cơ quan chức năng địa phương cần mạnh tay với nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em.
Không thể xử lý theo cảm tính mà phải bằng lý tính. Ngoài việc tuyên truyền cho cả gia đình hiểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các ban ngành địa phương cũng cần hướng dẫn phụ nữ kỹ năng tự bảo về mình, nhờ đến chính quyền can thiệp thay vì cam chịu, bao che.
Như thế mới có thể đẩy lùi nạn bạo hành, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ nông thôn.
NGUYỄN THANH VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin