Cho con quyền tranh luận

08:02, 16/02/2016

Trẻ thường cho rằng ý muốn của cha mẹ luôn xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ. Trong một gia đình cởi mở, nên để cho trẻ nói hết những suy nghĩ, những yêu cầu của mình, như là một cách tự hứa và là một sự vận động.

Trẻ thường cho rằng ý muốn của cha mẹ luôn xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ. Trong một gia đình cởi mở, nên để cho trẻ nói hết những suy nghĩ, những yêu cầu của mình, như là một cách tự hứa và là một sự vận động.

Khi đó, nên gọi đây là cuộc tranh luận, trẻ có quyền nói và cha mẹ có trách nhiệm lắng nghe, giải thích những vấn đề con cái hiểu sai, đồng thời định hướng cho trẻ hiểu đúng. Trong một gia đình thiếu cởi mở, yêu cầu của con cái thường ít được lắng nghe, nên có xu hướng phải thuyết phục, nài nỉ, đồng thời nêu lên những điểm mà trẻ cho là đúng, đôi khi trái với suy nghĩ của cha mẹ nên thường bị cho là “cãi”. Do đã suy nghĩ như vậy nên cha mẹ ra sức trấn áp cái sự “cãi” đó, không cho trẻ nói, dù có khi trẻ nói đúng.

Cần phân biệt rằng sự tranh luận đi quá xa và cha mẹ đã có đủ những lý do chính đáng để thuyết phục nhưng trẻ vẫn không chấp nhận và có những lời nói, hành động vượt quá giới hạn của con cái thì có thể xem là “cãi”. Trong trường hợp này, thay gì trừng phạt con cái thì cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao con cãi. Có thể cha mẹ đã nói sai điều gì đó? Cha mẹ đã không thống nhất trong lời nói, trong cách dạy? Cha mẹ đã không thực sự hiểu con? Cha mẹ đã chưa thực sự tôn trọng con?...

Khi giải đáp được đầy đủ những câu hỏi trên thì cha mẹ mới nên quyết định như thế nào đối với hành vi cãi cọ của con mình. Trong trường hợp con cái đã sai (xin lưu ý là sai chứ không phải là trái ý của cha mẹ vì cha mẹ đôi khi cũng không đúng) thì nên chỉ ra cho trẻ biết chỗ sai để mà uốn nắn, răn đe.

Hiện nay, trường học có dự án môi trường học thân thiện, thầy cô phải cho phép trẻ phát biểu và phải lắng nghe. Ở nhà cũng nên thực hiện điều đó đúng đắn và có phương pháp. Điều này buộc cha mẹ phải quan tâm đến con cái nhiều hơn, chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý của chúng, để có biện pháp dạy dỗ phù hợp.

Nguyễn Hoàng Duy

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh