Cần thận trọng khi sử dụng và cung cấp thông tin trên mạng xã hội

05:12, 02/12/2015

Mạng xã hội là diễn đàn để giúp mọi người tìm kiếm, chia sẻ, cung cấp… những thông tin cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, để việc sử dụng và cung cấp thông tin trên mạng xã hội thật sự mang lại hiệu quả thiết thực thì mọi người cần phải nâng cao ý thức, thể hiện tính văn hóa khi sử dụng các trang mạng xã hội, nhất là đối với người giáo viên.

Mạng xã hội là diễn đàn để giúp mọi người tìm kiếm, chia sẻ, cung cấp… những thông tin cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, để việc sử dụng và cung cấp thông tin trên mạng xã hội thật sự mang lại hiệu quả thiết thực thì mọi người cần phải nâng cao ý thức, thể hiện tính văn hóa khi sử dụng các trang mạng xã hội, nhất là đối với người giáo viên.

Ngày nay các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… dần trở nên phổ biến và thông dụng đối với mọi người. Thực tế cho thấy, xuất phát từ nhu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan đến việc học tập của học sinh, trên các trang mạng xã hội, nhiều thầy (cô) giáo đã trở thành bạn bè với học sinh (nhất là học sinh THCS và THPT) và cả phụ huynh.

Tuy nhiên, khi đã trở thành bạn bè, nhiều thầy (cô) khi giao tiếp trực tiếp với học sinh hoặc phụ huynh trên mạng xã hội thì mới quan tâm đến việc dùng từ ngữ, lời lẽ… còn lúc tham gia bình luận, chia sẻ hình ảnh hay một vấn đề gì đó với đối tượng khác (bạn bè, người thân…) thì lại “thoải mái” sử dụng và cung cấp thông tin trên mạng xã hội.

Có lẽ, nhiều người cho rằng: Mạng xã hội là thế giới ảo, khác hẳn với cuộc sống hiện thực ngoài đời. Hơn nữa, tùy theo đối tượng giao tiếp trên mạng xã hội mà thể hiện cách ứng xử khác nhau... Cũng vì suy nghĩ đó mà hiện nay vẫn có một số giáo viên thường sử dụng những từ ngữ, lời lẽ thiếu chuẩn mực sư phạm trên các trang mạng xã hội.

Những kiểu viết tắt hay dùng tiếng lóng như “Đậu xanh rau má” (nói lóng một tiếng chửi thề), Oh Shit (tiếng Anh có nghĩa là chất thải, phân, bạn trẻ dùng thay tiếng chửi), CMNR (Con mẹ nó rồi)… được nhiều người sử dụng, đăng tải tràn lan trên mạng (một số giáo viên thỉnh thoảng cũng có sử dụng).

Như chúng ta biết, khi chúng ta chia sẻ, đăng tải bất kỳ thông tin, hình ảnh gì trên mạng xã hội thì người khác cũng có thể xem và biết được. Điển hình như trên Facebook chẳng hạn, mặc dù chúng ta bình luận, chia sẻ hay hoạt động thích về bài viết của một người nào đó thì bất kỳ người khác nào cũng có thể biết được.

Chúng ta nên nhớ rằng: Học sinh không chỉ học kiến thức ở thầy (cô) giáo, mà các em còn học ở tư cách, đạo đức, lối sống hàng ngày của thầy (cô) giáo để từng bước hoàn thiện nhân cách của bản thân. Vì thế, giáo viên cần phải thận trọng khi sử dụng và cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Lưu ý khi tham gia cần dùng những lời lẽ trong sáng; tuyệt đối không nên dùng ngôn ngữ tiếng lóng, đăng tải những từ ngữ, hình ảnh mang ý nghĩa thô tục, phản giáo dục, những kiểu viết tắt thay cho những lời nói tục tĩu…

Do đó khi tham gia các trang mạng xã hội, mỗi thầy (cô) giáo phải luôn thể hiện mình là tấm gương sáng để cho các em học sinh noi theo; phải luôn có sự cân nhắc, thận trọng để giữ gìn sự trong sáng của nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin yêu của học sinh, của phụ huynh và của cả xã hội.

NGUYỄN VĂN DÔ (Long Hồ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh