Một lần đi chợ

03:09, 17/09/2015

Gia đình mình tuy không mấy khá giả, giàu sang nhưng cũng không đến nỗi phải ăn uống thiếu thốn. Vậy mà không hiểu sao dạo gần đây, bữa cơm nhà ta thường hay thiếu "lượng" lẫn "chất". 

[links()]

Gia đình mình tuy không mấy khá giả, giàu sang nhưng cũng không đến nỗi phải ăn uống thiếu thốn. Vậy mà không hiểu sao dạo gần đây, bữa cơm nhà ta thường hay thiếu “lượng” lẫn “chất”.

Nhớ trước đây, trên bàn luôn ê hề thức ăn, cả nhà ăn uống no nê, lại còn dư chút ít để ai có đói thì xuống bếp “đá hiệp phụ”. Còn bây giờ, ngày nào các thành viên cũng “dằn quả” một chút thức ăn lại rồi nhường qua nhường lại trông thật khó coi. Em thử nghĩ xem, anh và ba vốn thích ăn rau, lại ăn nhiều nữa là đằng khác nhưng em chỉ mua có chút ít để làm kiểng. Món cá chiên thì chỉ có một con nhỏ xíu nằm lẻ loi trong cái đĩa to đùng, buộc vợ chồng mình phải nhường cho ba mẹ và các con ăn. Nồi canh đều là “toàn quốc”, còn thịt cá “chạy trốn” đâu mất. Thậm chí món trứng luộc cả nhà đều thích cũng bị em cắt giảm: 6 quả chia cho 6 người, bây giờ chỉ còn 3 quả thôi... Tội nghiệp cho hai con của mình, chúng đang ở tuổi phát triển, mà em cứ mua thực phẩm eo hẹp như thế này hoài thì chúng có khỏe mạnh, thông minh được chăng? Em biết không, mấy bữa nay, thằng anh cứ thắc mắc là tại sao bữa ăn không có trái cây để tráng miệng như trước. Thằng em thì hỏi anh sao mẹ không mua sữa tươi bỏ vào tủ lạnh, hết cả tuần nay rồi. Anh không biết giải thích cho con hiểu như thế nào, vội lấy ví đưa tiền cho chúng ra tiệm tạp hóa mua vài lốc.

Một lần, trong bữa ăn anh đã thẳng thừng hỏi em về chuyện này. Dường như đây cũng là nỗi bức xúc của em, nên khi anh hỏi thì em “đốp” ngay: “Anh thử một lần đi chợ rồi biết!” Thì anh biết xăng tăng giá, giá cả hàng hóa tăng theo nhưng cũng không đến mức em phải “thắt lưng buộc bụng” chặt như thế. Ừ, có dịp anh cũng thử đi chợ xem sao- anh nghĩ bụng thế.

Rồi cơ hội đó cũng đến. Lần nọ em tăng ca, líu lo trong điện thoại với anh rằng: “Hôm nay em làm về 8 giờ tối, anh đi chợ giúp em nghen. Cho anh làm bà nội trợ một lần để giải tỏa những bức xúc đó …” Tắt máy điện thoại xong, anh nhanh chân ra chợ. Chợ chiều đông nghẹt người mà toàn là phụ nữ, chỉ có lèo tèo vài ông chồng như anh xách giỏ đi chợ (chắc vợ của họ cũng tăng ca như em). Anh suy đi nghĩ lại chẳng biết mua gì, thôi thì mua những món quen thuộc mà cả nhà thường hay ăn. Nhìn thấy cái biển liệt ra danh sách các loại hàng bình ổn giá ngay trước cửa chợ, trong đó có trứng, anh vội lại gian hàng trứng định mua vài hộp. Nhưng đến nơi mới biết họ bán “phá giá”, đắt hơn giá niêm yết trên biển. Tần ngần một hồi anh cũng phải mua. Ghé qua gian hàng rau, anh càng choáng hơn khi mua vài quả dưa leo mà đã mất 10.000đ. Các loại rau khác cũng đắt đỏ không kém, chẳng phải như trước đây một rổ rau sống chỉ khoảng 2.000đ là cùng. Giá thịt cá cũng “leo thang” ngất ngưởng, mà anh thì lại không biết trả giá ra sao, nên cò kè một hồi rồi mua theo giá ban đầu. Các thứ tạp hóa linh tinh như bột ngọt, muối, đường,… đều “chung số phận”, thứ nào cũng tăng thêm từ vài trăm đồng cho đến vài ngàn đồng. Nhìn vào trong giỏ, anh thấy hàng hóa chẳng có bao nhiêu mà số tiền chợ đã vượt mức chỉ tiêu đưa ra quá nhiều, thôi đành bấm bụng ra về cho xong.

Thì ra bấy lâu nay, em dè xẻn chi tiêu tiền chợ cũng vì không muốn ngân sách gia đình mình thâm thụt. Vậy mà anh đã trách lầm em, tưởng em cắt giảm tiền chợ để dùng vào việc riêng. Thành thật xin lỗi em. Một lần đi chợ, anh mới hiểu bà xã mình giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà là như thế nào.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh