Hứa và làm

10:09, 15/09/2015

Tục ngữ có câu: "Nói dễ hơn làm". Chính vì vậy mà chúng ta thường nói, hứa nhiều mà làm thì ít.

Tục ngữ có câu: “Nói dễ hơn làm”. Chính vì vậy mà chúng ta thường nói, hứa nhiều mà làm thì ít.

Lời hứa là một biểu hiện của tinh thần. Trong lòng ta thế nào thì lời hứa bộc lộ ra thế ấy. Ngược lại, khi được thể hiện ra rồi, lời hứa lại gieo cấy những hạt giống tốt hoặc xấu vào tâm hồn tùy theo khả năng của chúng ta. Vì thế, muốn tâm hồn thanh thản thì lời hứa phải chính xác và phải thực hiện một cách nghiêm túc. Việc nói và hứa tùy tiện, bừa bãi có những tác hại sâu xa mà chúng ta không thể lường hết được. Hiển nhiên là ta không bao giờ dung túng cho những lời hứa suông vì nó đánh mất đi giá trị tự thân của người hứa, khiến cho mọi người không còn tin cậy họ nữa, ngay cả khi họ đã từ bỏ việc hứa lèo. Vì thế, khi hứa mà không thực hiện được như vậy ta sẽ mất đi nhiều hơn những gì ta đang có. Nói thế nhưng không phải ai cũng có thể thấy được tác hại của những lời hứa suông mà không thực hiện. Ta thừa biết cái cảm giác ngượng ngập, lúng túng khi ta hứa với ai đó một điều gì đó mà không thực hiện được. Tuy nhiên, nếu chúng ta lặp đi lặp lại việc hứa mà không thực hiện được nhiều lần, thì cái cảm giác lúng túng, ngượng ngập sẽ không còn nữa. Nhưng thật ra, ta đang lừa dối chính bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa sự nói thật và dối trá. Khi chúng ta biết cần phải hạn chế những lời hứa không cần thiết, chúng ta sẽ làm được tất cả những gì khi mình hứa. Để cho lời hứa đi đôi với việc thực hiện thật ra không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu ta chỉ hứa những điều đã cân nhắc thận trọng thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Việc giữ cho lời hứa đi đôi với việc làm sẽ hoàn thiện nhân cách của ta và điều này có thể dễ dàng nhận ra được qua cung cách mà những người xung quanh sẽ đối xử với ta. Chắc chắn lúc đó ta sẽ không còn phải nghe những người khác than phiền về chuyện “Hứa mà không làm được thì hứa làm gì?”. 

Trong cuộc sống, giữa con người với con người, thì sự giao tiếp lời nói là dễ nhất nhưng nó cũng vô cùng khó khăn và phức tạp. Chả thế mà người xưa đã nhắc nhở “Lời nói đọi máu” đó sao. Vậy cho nên lời nói hết sức quan trọng, nó có thể giúp ta thăng quan, tiến chức, có nhà cao cửa rộng, lắm bạn, nhiều bè… nhưng nó cũng có thể vùi dập tương lai tiền đồ của một con người và có thể lấy đi tất cả. Vậy mới có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là vậy đó.

Võ Hoàng Nam (Khánh Hòa)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh