Chống hàng giả, thực phẩm bẩn không thể chỉ là phong trào

09:49, 21/05/2025

Không ai trong chúng ta muốn bữa cơm của gia đình mình trở thành nơi gieo rắc bệnh tật. Thế nhưng, điều đó vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, khi thực phẩm (TP) bẩn, TP giả và kém chất lượng len lỏi từ chợ cóc đến siêu thị, từ gánh hàng rong đến bếp ăn trường học, từ món quà vặt của trẻ con đến bữa cơm công nhân. “Ẩn mình” dưới vẻ ngoài thơm ngon, chúng đang là “kẻ giết người thầm lặng”, đầu độc cộng đồng một cách từ từ nhưng nghiêm trọng.

Chỉ trong vài tháng đầu năm, loạt sự việc liên quan đến TP bẩn đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh. Câu hỏi đặt ra là: ai đang giám sát những gì chúng ta ăn mỗi ngày?

TP không chỉ đơn giản là nguồn dinh dưỡng để nuôi sống con người, mà còn gắn với sức khỏe cộng đồng, văn hóa tiêu dùng và sự ổn định xã hội. Một mâm cơm là nơi gắn kết gia đình, nuôi dưỡng con trẻ, chăm sóc người già- nhưng khi niềm tin bị phá vỡ vì những món ăn kém chất lượng, chúng ta mất nhiều hơn là vài đồng bạc lẻ.

Hãy thử tưởng tượng một em bé mẫu giáo ăn phải bữa cơm có thịt, cá nhiễm hóa chất bảo quản độc hại hay rau tưới thuốc cấm- hậu quả không phải là ngày một ngày hai. Đó có thể là rối loạn tiêu hóa, là suy gan, là giảm miễn dịch, là hệ lụy kéo dài đến cả tương lai dân tộc. Hãy thử hình dung một công nhân lao động ăn phải suất cơm nhiễm khuẩn- người đó có thể mất sức làm việc, mất thu nhập, ảnh hưởng cả gia đình.

Cuộc chiến với TP bẩn không còn là câu chuyện riêng của ngành y tế, ngành nông nghiệp hay quản lý thị trường. Đây là vấn đề văn hóa tiêu dùng, đạo đức kinh doanh, sự nghiêm minh của pháp luật và cả bản lĩnh của nhà quản lý. Một quốc gia có thể phát triển kinh tế nhanh, nhưng nếu để người dân sống trong lo lắng về cái ăn mỗi ngày, đó không thể là phát triển bền vững.

Lỗ hổng lớn nhất nằm ở khâu kiểm soát- từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Các chợ tự phát, hàng rong không có kiểm định; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thiếu điều kiện vệ sinh; tình trạng “phạt cho tồn tại” khiến nhiều vụ vi phạm cứ lặp đi lặp lại. Trong khi đó, người tiêu dùng phần lớn vẫn chọn mua theo thói quen, ham rẻ, thiếu kỹ năng nhận diện TP an toàn. Có những sản phẩm giá chỉ bằng nửa hàng chất lượng- liệu có thể không nghi ngờ?

Ở góc độ pháp lý, hình phạt cho hành vi sản xuất và buôn bán TP bẩn chưa đủ sức răn đe. Một vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn có thể khiến hàng ngàn trẻ em bị ảnh hưởng, nhưng mức xử phạt hiện nay liệu có tương xứng với hậu quả gây ra? Cần thiết lập một hệ thống chế tài mạnh hơn, xử lý hình sự mạnh tay hơn những đối tượng coi thường tính mạng người tiêu dùng.

Muốn chấm dứt nạn TP bẩn, chúng ta không thể trông chờ vào một cơ quan duy nhất. Đây là cuộc chiến cần sự vào cuộc đồng bộ- từ Chính phủ đến địa phương, từ người bán đến người mua. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành: y tế, nông nghiệp, công thương, công an trong việc kiểm tra, giám sát, điều tra và xử lý.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về tiêu dùng an toàn. Trường học cần đưa nội dung giáo dục TP sạch vào chương trình học, giúp học sinh và phụ huynh nâng cao nhận thức. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối TP sạch cần được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường, thay thế hàng trôi nổi.

Về phía người dân, hãy bắt đầu từ hành động nhỏ: nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, chọn mua TP tại nơi uy tín, báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn. Mỗi lựa chọn của người tiêu dùng là một lá phiếu cho TP sạch, một lời từ chối TP độc hại.

NGUYỄN HỮU HUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh