Con hẻm là lối đi chung dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên không ít cá nhân, hộ gia đình xem hẻm công như nhà riêng, chiếm dụng, bày biện linh tinh trông rất khó coi.
Ai cũng biết hẻm vốn dĩ đã nhỏ, có nơi chỉ tầm 2-3m ngang, đủ cho người đi bộ qua lại và 2 làn xe gắn máy (hoặc ô tô nhỏ) chạy ngược chiều nhau. Vậy mà một số người ngang nhiên lấn hẻm (cũng như chiếm lề đường) để buôn bán nhỏ, làm bậc tam cấp khiến người dân đi lại bất tiện. Xấu xí nhất là chuyện dùng hẻm để tổ chức đám tiệc.
Lắm người làm tiệc cưới, đám giỗ, sinh nhật bày tràn ra hẻm, chiếm hết chỗ người đi bộ và đi xe. Buộc họ phải đi đường vòng hoặc hóp mình qua lại một cách khổ sở. Vậy mà gia chủ không nói lời nào, thản nhiên ăn nhậu, hát hò ồn ào cứ như nhà riêng của mình.
Đám tang, một sự mất mát của người thân trong nhà, kể cả nỗi buồn của cả xóm. Vì vậy việc tang lễ choán hết hẻm được cảm thông. Bởi nhà thành thị hẹp và không có khoảng sân, mà không phải ai cũng có kinh tế khá giả để tổ chức đám tang tại nhà tang lễ. Nên đó là sự chia sẻ đầy tính nhân văn, chứ chiếu theo luật thì vi phạm.
Tất nhiên hàng xóm có quyền góp ý.
Nhưng vì tình làng nghĩa xóm nên họ bỏ qua, không phản ánh, sợ mất lòng. Bởi đã nhiều trường hợp chỉ vì góp ý chuyện chiếm hẻm mà tình láng giềng xấu đi. Bản thân người mượn hẻm dùng vào việc riêng nên có phép lịch sự nói với hàng xóm để họ cảm thông, kẻo bị thưa kiện vì phạm luật.
TRẦN THÁI HỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin