Bạn trẻ làm theo trào lưu

14:16, 05/09/2024

(VLO) Vừa qua, trên đường về quê, tôi thấy có mấy nhóm những em nhỏ tụ họp nhau đứng bên vệ đường, ra ám hiệu gì đó với bác tài. Khi tôi đem thắc mắc này hỏi thì được bác tài cho biết: “À! Mấy đứa nhỏ ra hiệu kêu tôi bấm còi xe để chúng cùng nhảy theo tiếng còi đó mà!”.

Một món đồ chơi trẻ em mô phỏng hình chú chuột capybara.
Một món đồ chơi trẻ em mô phỏng hình chú chuột capybara.

Theo lời của bác tài thì các em đang làm theo một clip đang “rầm rộ” trên mạng xã hội. Đó là “trào lưu” nhảy theo tiếng còi xe.

Chưa hết bất ngờ này, tôi lại chứng kiến một bất ngờ khác. Đó là “trào lưu” về capybara. Bất cứ vật gì từ quần áo, giày dép, balo đến tập, sách, dụng cụ học tập đứa nào cũng muốn có hình chú chuột lang nước capybara.

Đúng là hình ảnh chú chuột này rất ngộ nghĩnh và đáng yêu khi được mô phỏng in vào vật dụng lại rất sinh động và dễ thương nên đứa trẻ nào cũng thích. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không chỉ dừng lại ở việc thích mà là phải có thậm chí là “cái gì cũng phải capybara”.

Có đứa dù đã có balo mới; sách, vở có hình chú chuột capybara rồi nhưng vẫn nằng nặc đòi cha mẹ mua cho balo khác khi nghe đứa kia khoe có balo hình capybara. Đứa thì nhất quyết không thay ra chiếc áo có in hình chuột capybara dù chiếc áo đó do chạy giỡn đã lấm lem và ướt sũng.

Tệ hại hơn là có một bé ở thành thị về mang theo món đồ chơi là một con capybara biết nhún nhảy theo tiếng nhạc thì lập tức những đứa kia “xúm” lại, tranh cãi, tranh giành, rồi đòi cha mẹ mua cho trong khi chợ làng, chợ xã thì chưa có bán mặt hàng này.

Những năm gần đây hễ có một trào lưu mới xuất hiện trên mạng xã hội thì những người trẻ lại hào hứng “đu” theo. Bởi giới trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, thích khám phá và có nhiều điều kiện tiếp xúc công nghệ. Trong khi mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ.

Hết trào lưu này đến trào lưu khác xuất hiện. “Đu” trend không sai nhưng cần chọn lọc và nhận thức đúng trend. Do đó, giúp bạn trẻ nhìn nhận một “hiện tượng”, một “trào lưu” mới là tích cực hay tiêu cực vô cùng quan trọng.

Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan siết chặt hơn các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội theo hướng lành mạnh hơn thì giải pháp hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng của những trào lưu không tốt trước hết phải xuất phát từ mỗi gia đình.

Người lớn cần quan tâm, định hướng, dạy bảo giúp các em tránh tiêu cực, không sa đà vào các trào lưu- nhất là những trào lưu vô bổ, độc- hại.

Bài, ảnh: NHƯ Ý

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh