Khoảng gần chục năm trở lại đây, tôi thấy ở một số làng, xã thuộc huyện ngoại thành Đông Anh (Hà Nội), rộ lên phong trào: người già gửi tiết kiệm số tiền mà con cháu lì xì, mừng tuổi dịp năm mới!
(VLO) Khoảng gần chục năm trở lại đây, tôi thấy ở một số làng, xã thuộc huyện ngoại thành Đông Anh (Hà Nội), rộ lên phong trào: người già gửi tiết kiệm số tiền mà con cháu lì xì, mừng tuổi dịp năm mới!
Ngay như ở xã Kim Chung quê tôi, theo như tôi thấy thì trong xóm nhà sinh sống có mấy cụ đã nghĩ tới hình thức gửi tiết kiệm tiền lì xì, mừng tuổi thu được qua các dịp tết, từ nhiều năm trước đây.
Các cụ quan niệm rằng, mỗi dịp tết tiền mà con cháu, bà con họ hàng lì xì, mừng tuổi có thể không nhiều, khi người nhiều thì được dăm bảy triệu đồng, còn các cụ ít thì chỉ được vài ba triệu đồng…
Thế nhưng, nhiều nhỏ góp lại thành to, qua một số năm số tiền tích góp được dẫu không thể đủ để dưỡng già, nhưng nó cũng đỡ đần được tiền thuốc men, bồi dưỡng mỗi khi đau ốm qua quýt.
Cụ Lê Thị Hà năm nay 78 tuổi kể cho tôi biết, cách đây 8 năm cụ đã bắt đầu nghĩ tới việc mang gửi tiết kiệm ngân hàng hết số tiền mà con cháu, họ hàng lì xì mừng tuổi mỗi dịp tết.
Do con cháu, họ hàng đông, nên hầu như năm nào cụ Hà cũng được lì xì, mừng tuổi, ít thì dăm triệu, còn năm nhiều lên tới cả chục triệu đồng.
Đó còn chưa kể những ngày thường trong năm, thi thoảng cụ cũng được con cháu biếu tiền, khi dăm ba trăm ngàn, lúc dăm bảy chục ngàn đồng…, và cụ cũng dành hết để gửi tiết kiệm.
Theo cụ Hà, hiện tại sau gần chục năm tích góp gửi tiết kiệm tiền lì xì, mừng tuổi tết cụ đã có được gần 100 triệu đồng.
Dẫu số tiền không quá lớn, nhưng nó cũng sẽ giúp cụ phần nào khi không may đau ốm phải đi bệnh viện hay mua thuốc thang chữa trị, mà không phải phiền tới con cháu.
Còn cụ Trần Thị Tám- người hàng xóm của cụ Hà- năm nay 72 tuổi, từ 6 năm nay cũng “bắt chước” các cụ trong xóm, trong làng gửi tiết kiệm tiền lì xì, mừng tuổi tết. Đến nay số tiền cụ Tám góp được khoảng 40 triệu đồng và cụ vẫn gửi tiết kiệm thêm mỗi dịp tết gần chục triệu đồng.
Cụ Tám bảo: “Những năm xưa, tết nào con cháu mừng tuổi, lì xì được bao nhiêu tiền tôi đều tiêu pha không kế hoạch hết sạch. Khi thấy hình thức gửi tiết kiệm của các cụ trong làng rất hay, phòng khi đau ốm, tôi đã bắt chước làm theo.
Tôi nghĩ, khoảng 40 triệu tích góp được sau 6 năm từ tiền lì xì, mừng tuổi tết, lỡ bị ốm phải nằm viện, sẵn đó rút ra chi trả thì con cháu cũng đỡ phải lo nhiều…”.
Chẳng nói đâu xa như chính bố mẹ tôi, khi năm nay đều ngoài 80 tuổi và từ 10 năm trước bố mẹ tôi đã bàn với nhau và lên kế hoạch gửi tiết kiệm hết số tiền lì xì, mừng tuổi nhận được từ con cháu mỗi dịp tết đến xuân về.
Nói là làm, cứ ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, khi cửa hàng tín dụng xã vừa mở cửa khai xuân đầu năm mới, là mẹ tôi lại tất tưởi mang hết số tiền lì xì, mừng tuổi mà cả bố mẹ nhận được đi gửi tiết kiệm.
Năm nay, theo như tôi thấy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi người hạn chế đi chúc tết thăm hỏi nhau để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, nên số tiền lì xì, mừng tuổi mà bố mẹ tôi nhận được cũng bị… ảnh hưởng ít nhiều, khi giảm hơn so với tết các năm trước vài triệu đồng. Dẫu vậy, bố mẹ cũng “thu” được gần 14 triệu đồng trong dịp Tết Tân Sửu vừa rồi.
Và, theo tiết lộ của mẹ tôi, hiện tại tổng số tiền mà bố mẹ tích cóp gửi tiết kiệm được thông qua tiền lì xì, mừng tuổi tết của chục năm đã lên hơn 120 triệu đồng. Tôi nói đùa và khuyên với mẹ rằng, mẹ nên rút về để tiêu pha, bồi dưỡng, chứ để đó lời lãi bao nhiêu đâu.
Mẹ tôi gạt đi, nói: “Bố mẹ tiết kiệm được một khoản tiền như vậy, dẫu không nhiều nhưng nó sẽ đảm bảo cho bố mẹ khi đau ốm, như đợt vừa rồi mẹ nằm viện chẳng hạn... Hơn nữa, dẫu sao nó cũng đỡ đần thêm cho mấy anh chị em chúng mày không phải lo lắng…”.
Vâng, đúng là bố mẹ tôi là người biết lo xa, khi trước tết năm nay khoảng 2 tháng, mẹ tôi là người bị ốm khá nặng, phải nằm viện chục ngày, dẫu có bảo hiểm nhưng tiền chi trả thuốc men, viện phí, cùng các điều trị dịch vụ khác cũng là khá nhiều, hơn chục triệu đồng.
Mấy anh chị em chúng tôi góp mỗi người mấy triệu để lo cho mẹ, nhưng bố tôi nhất quyết không lấy, bởi theo như bố nói thì ông đã rút tiết kiệm từ khoảng tiền lì xì, mừng tuổi tích cóp nhiều năm ra để chi trả tiền viện phí cho mẹ. Bố nói nếu không có thì mới nhờ tới các con, còn nếu tự chủ được thì thôi…
Qua thực tế từ bố mẹ mình và một số trường hợp các cụ trong làng, xã mà tôi biết, thì quả đúng là hình thức người già gửi tiết kiệm tiền lì xì, mừng tuổi thu được mỗi dịp tết để phòng khi đau ốm có tiền chi trả thuốc men, viện phí là rất hay, vừa tự lo cho bản thân, vừa đỡ đần con cháu.
Tôi nghĩ hình thức này nên, và rất cần được nhân rộng, bởi nếu không gửi tiết kiệm, có khi các cụ cũng tiêu phung phí để rồi cũng hết…
NGUYỄN THỊ LOAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin