Những ngày này, cả thế giới thấp thỏm dõi theo từng diễn biến của dịch COVID- 19. Thông tin vui, rất vui rằng Việt Nam đã "thắng trận đầu" trong cuộc chiến chống dịch bệnh: người cuối cùng trong số 16 ca nhiễm ở nước ta đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính với SARS-CoV-2.
Những ngày này, cả thế giới thấp thỏm dõi theo từng diễn biến của dịch COVID- 19. Thông tin vui, rất vui rằng Việt Nam đã “thắng trận đầu” trong cuộc chiến chống dịch bệnh: người cuối cùng trong số 16 ca nhiễm ở nước ta đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính với SARS-CoV-2.
Đến thời điểm hiện tại, nước ta không có ca nhiễm mới và việc tổ chức giám sát, cách ly kịp thời những người trong diện nghi nhiễm được thực hiện rất tốt.
Đạt được kết quả tuyệt vời này, công đầu thuộc về ngành y tế nhưng phải thấy rằng cả hệ thống chính trị của ta đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Vậy mà, đâu đó thỉnh thoảng lại xuất hiện những dòng tin giả, tin không đúng sự thật, tin chưa qua kiểm chứng được lan truyền nhanh chóng gây không ít hoang mang, lo lắng cho người dân.
Thời gian qua, lợi dụng mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn như việc người từ vùng dịch trở về buộc phải cách ly để theo dõi do yêu cầu của công tác phòng bệnh lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới.
Thậm chí, có người còn “xì xào” với nhau rằng cơ quan chức năng đang che giấu thông tin về dịch bệnh. Bên cạnh đó, có những kẻ chỉ vì muốn câu like, câu view trên mạng xã hội mà “vô tư” nhận mình “dương tính” với dịch bệnh,…
Đó là những thông tin không đúng sự thật, khi phát hiện, cơ quan chức năng đã mời làm việc, nhắc nhở hoặc xử phạt.
Qua đó cho ta thấy, trong khi vi rút chưa gây bất kỳ thiệt hại nào về tính mạng cho con người trên lãnh thổ Việt Nam thì “vi rút” tin giả, tin thất thiệt đã gieo vào lòng người không ít nỗi hoang mang tột độ.
Chính việc “nghe đồn, nghe nói, nghe kể” đã làm lớn hơn nỗi sợ hãi trong mỗi con người và từ đó một số người dễ dàng tin vào những “ma mị” của cách phòng ngừa được “rao” là rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không có một căn cứ khoa học tin cậy nào. Hiện, trên mạng xã hội chia sẻ rất nhiều “bài thuốc”, “liệu pháp” điều trị có thể ngăn ngừa, thậm chí là trị khỏi khi bị mắc bệnh.
Nhiều người còn cho rằng uống rượu, bia, ngậm dầu gió là có thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể,… bất chấp hậu quả sử dụng là như thế nào! Đáng nói hơn, có người còn tin cả chuyện lập đàn giải bệnh,…
Trước vòng xoáy thông tin nhiều người đã nói vui rằng: “Tốc độ lan truyền của tin giả, tin đồn thất thiệt trên môi trường mạng còn nhanh hơn tốc độ lây lan của vi rút”.
Vì vậy, trong nỗi lo dịch bệnh, điều tiên quyết đầu tiên là chúng ta chỉ nên tiếp nhận thông tin từ những nguồn, những kênh chính thống. Phải thật sự tỉnh táo thu nhận thông tin có ích, chính xác để có được lựa chọn tốt nhất bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh.
NHƯ Ý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin