Nước mặn và nỗi buồn đọng lại

05:02, 25/02/2020

Hơn 3 tháng qua, miền Tây Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang đối mặt với đợt hạn mặn kéo dài. Kể từ đợt mặn lịch sử năm 2016, nước mặn có phần nguôi ngoai thì đến những ngày cuối năm 2019 nước mặn lại tràn về.

Hơn 3 tháng qua, miền Tây Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang đối mặt với đợt hạn mặn kéo dài. Kể từ đợt mặn lịch sử năm 2016, nước mặn có phần nguôi ngoai thì đến những ngày cuối năm 2019 nước mặn lại tràn về. Có biết bao hệ lụy kéo theo, người dân đang từng ngày phải sống trong trạng thái lo âu không biết đến khi nào mới dứt.

Còn nhớ trận hạn mặn lịch sử năm 2016, nông dân chưa có những kỹ năng cần thiết để phòng chống hạn mặn nên hậu quả để lại là quá nặng nề. Nhiều vườn cây ăn trái bị mặn hư hỏng nặng dù sau đó bà con đã cố hết sức dùng các biện pháp khắc phục.

Những năm sau đó, mặn có đến nhưng mức độ giảm xuống, không gây thiệt hại nặng cho bà con. Thế nhưng, đợt mặn mà người dân đang đối mặt kéo dài hơn cả năm 2016, vượt xa tầm kiểm soát và chuẩn bị.

Mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã có những biện pháp phòng chống như làm cống, làm đê bao chống mặn. Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta thấy rằng, chừng ấy là chưa đủ để đối phó với sự tàn phá của nước mặn đối với đồng ruộng, vườn cây. Ở một số nơi, hệ thống cống hở chỉ mới được thi công trong khi nước mặn đã vào đồng.

Ở một số xã, bà con chưa đồng nhất trong việc ngăn chặn nước mặn. Chẳng hạn ở xã cù lao Thanh Bình (huyện Vũng Liêm), do chưa đồng nhất loại cây trồng nên gây ra những khó khăn trong việc đóng cống ngăn mặn.

Một số hộ dân còn trồng lác rất cần nước tưới (kể cả nước mặn) trong khi nhiều gia đình khác thì trồng cây đặc sản. Nếu đóng cống ngăn mặn thì diện tích trồng lác sẽ thiếu nước, bởi cây lác có thể thích nghi với nguồn nước có độ mặn không quá cao.

Bên cạnh đó, một số vườn cây đặc sản nằm sát bờ bao ở một số xã cù lao, nước mặn vẫn cứ len vào tàn phá. Những năm gần đây, đời sống của nông dân có phần khá hơn nhờ giá trái cây tăng mạnh.

Vậy mà giờ phải chống chọi với những thiệt hại quá lớn do nước mặn gây ra. Bao nhiêu tiền của, vốn liếng đổ dồn vào vườn cây đặc sản và nhà vườn có thể sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay khi nước mặn đến.

Những công trình chống mặn hay những biện pháp của ngành nông nghiệp là hữu hiệu nhưng tiến độ vẫn còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu. Bởi cống hở làm chưa xong trong khi ngày ngày thì nước mặn đã tràn vào vườn cây ăn trái.

Nghe than vãn về hạn mặn, một số người vội vã cắt lời: “Có cống rồi mà!” Vậy nhưng, đâu có nhiều người biết, đằng sau đó là những nan giải khó mà giải quyết được.

Mấy ngày qua, một cơn mưa nặng hạt ở TP Vĩnh Long khiến cho người dân ở một số nơi tiếc hùi hụi vì mưa không về vùng nông thôn- nơi có những vườn cây ăn trái. Ngồi đợi mưa khi bầu trời đen kịt mà mưa đâu không thấy, chỉ thấy ở con nước lớn chiều nay độ mặn lại tăng lên.

Câu chuyện về nước mặn được người ta kể cho nhau nghe để rồi ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẩm. Không chống chọi được mặn thì phải tìm cách để khắc phục thiệt hại bởi những vườn cây đang vàng và cháy lá. Nông dân ôm ấp những nỗi buồn mà có lẽ, chỉ những người trong cuộc mới hiểu thấu mà thôi.

HOÀNG LÊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh