Captcha hiểu nôm na là hình ảnh chứa đoạn mã xác nhận giúp phân biệt đối tượng đang truy cập là người hay máy. Đây là công cụ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi lập tài khoản diễn đàn website, e-mail số lượng lớn nhờ các chương trình tự động.
Captcha hiểu nôm na là hình ảnh chứa đoạn mã xác nhận giúp phân biệt đối tượng đang truy cập là người hay máy. Đây là công cụ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi lập tài khoản diễn đàn website, e-mail số lượng lớn nhờ các chương trình tự động.
Để vượt qua công cụ cản trở này, hacker buộc phải thuê một đội ngũ hùng mạnh gõ captcha để xác nhận việc lập tài khoản, rút ngắn thời gian cho quá trình đăng ký hàng loạt.
Đây là nghề thu hút sinh viên bởi công việc không quản lý thời gian, lại kết hợp cả việc học hành (sinh viên ngồi trên máy tính khá nhiều).
Chỉ cần tìm từ khóa “thuê sinh viên gõ captcha”, Google Search sẽ cho ra khoảng 149.000 kết quả. Điều đó cho thấy sinh viên rất quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, không phải “dễ ăn” như đã quảng cáo trên các diễn đàn website, mạng xã hội.
Nhiều bạn sinh viên than trời bởi sau một tháng miệt mài dán mắt trên màn hình vi tính, giỏi lắm chỉ kiếm được vài trăm ngàn.
Nghề này không những đòi hỏi kỹ năng gõ văn bản “xuất thần”, mà còn phải tinh mắt và biết mẹo, bởi các chữ, số thường hay nhầm lẫn như “O - 0, 1 - i, L - V, V – U”... mà nếu gõ sai chỉ một ký tự, nguyên đoạn mã đi tong, phải gõ lại mã mới do website hiển thị lại.
Có nhiều đoạn mã như đám rừng, dài lê thê, căng mắt nhìn cũng không thấy, buộc người gõ phải đổi đoạn mã mới, mất thời gian.
Một bạn sinh viên chuyên ngành IT (Information Technology) tâm sự, dù khá chuyên nghiệp với công nghệ thông tin nhưng một ngày mất 10 giờ (chủ yếu là thức trắng đêm) mới kiếm được 40 ngàn đồng.
Trung bình, nếu gõ thành công 1.000 đoạn mã, sinh viên sẽ được nhà tuyển dụng trả khoảng 15.000đ. Tuy nhiên, phải đạt mức độ quy định theo hợp đồng là cột mốc 100.000đ thì mới chuyển khoản qua thẻ ATM.
Nhưng “cao thủ” cũng chỉ gõ được một giờ 300 đoạn mã. Nếu “cày” thâu đêm suốt sáng mới được 45.000 đ/10 giờ. Chính vì vậy, nhiều bạn nản, bỏ cuộc.
Số tiền ấy chưa đáng là bao so với số tiền phải đóng cho nhà tuyển dụng để thu phí bản quyền phần mềm khoảng 300.000- 400.000đ tùy nơi (cài trên máy hoặc sử dụng trên trình duyệt web).
Đó là lúc sinh viên đến thử việc tại công ty, thường là thuê một căn phòng nhỏ với vài người làm công tác tuyển dụng. Sau khi cài phần mềm vào máy, cộng tác viên chỉ việc đăng nhập bằng tài khoản đã được cấp, rồi gõ lại các ký tự trên màn hình máy tính.
Phần mềm sẽ tự động lưu lại và thống kê người dùng biết. Khi ký hợp đồng, có nhiều điều khoản ràng buộc cộng tác viên gõ captcha.
Chẳng hạn, phải gõ được bao nhiêu đoạn mã một tháng, giới hạn thời gian hoàn thành, số lần tối đa được phép gõ sai...
Nếu vi phạm hoặc bỏ cuộc, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc mất tiền phí. Thử tưởng tượng với hàng trăm, hàng ngàn người bỏ cuộc thì số tiền 300.000- 400.000đ nhân lên sẽ không nhỏ chút nào. Tất nhiên, nhà tuyển dụng sẽ hốt trọn số tiền đó.
Vì vậy, những ai muốn làm thêm, đặc biệt là các bạn sinh viên, phải hết sức cân nhắc khi làm cộng tác viên gõ captcha. Nó mang lại số tiền ít ỏi nhưng lại lãng phí thời gian rất nhiều.
Nhiều bạn bị trì trệ việc học, ảnh hưởng đến mắt và tổn hại sức khỏe vì ngồi quá lâu. Bởi công việc này làm cho tổ chức nước ngoài (qua công ty trung gian tại Việt Nam) nên hay lệch múi giờ, phải thức trắng đêm.
Hiện nay có rất nhiều việc làm thêm dành cho sinh viên như phục vụ quán, gia sư, làm hàng thủ công, tiếp thị... có thu nhập và thời gian khá phù hợp.
Đây là những nghề thực tế, ngoài việc có mức lương trang trải cuộc sống, còn giúp sinh viên nạp thêm kinh nghiệm xã hội cũng như kỹ năng giao tiếp, bổ trợ cho bản thân trong tương lai hơn là gõ captcha được ít mất nhiều.
NGUYỄN HOÀNG DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin