Đừng để "phượt" trở thành những nỗi lo

05:05, 09/05/2017

Những năm gần đây, "phượt" trở thành trào lưu phổ biến trong giới trẻ. Đây là một cách gọi của hình thức du lịch bụi. Người đi có thể chủ động sắp xếp lịch trình và tự chọn phương tiện di chuyển như ôtô, xe máy, xe đạp hay thậm chí là đi bộ.

Những năm gần đây, “phượt” trở thành trào lưu phổ biến trong giới trẻ. Đây là một cách gọi của hình thức du lịch bụi. Người đi có thể chủ động sắp xếp lịch trình và tự chọn phương tiện di chuyển như ôtô, xe máy, xe đạp hay thậm chí là đi bộ.

Chỗ ăn và chỗ ngủ không quá quan trọng với những người đi “phượt”. Họ có thể nghỉ ngơi trong khách sạn sang trọng cũng có thể ngủ trong nhà dân hay dựng trại ngay bãi biển. Họ thường xuyên có mặt ở quán bình dân hay thưởng thức ngon lành bát cơm trong chùa.

Những người mê dịch chuyển không xem trọng khoảng cách của mỗi chuyến đi. Điều mà họ quan tâm là chỗ sắp đến có thể cảm nhận được sự tráng lệ của thiên nhiên, dấu ấn văn hóa, lịch sử thể hiện qua phong tục, tập quán, ẩm thực và những câu chuyện mà người dân bản địa cất giữ.

Sau mỗi chuyến khám phá cùng nhau, các bạn trẻ sẽ có nhiều niềm vui, được va chạm, trải qua những tình huống chưa bao giờ gặp và họ sẽ có những kinh nghiệm để đời. Có những chuyến “phượt” từ thiện đã giúp đỡ được nhiều mảnh đời khó khăn trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, hình ảnh dân “phượt” hiện đang ngày càng xấu đi. “Phượt” trở thành nỗi lo của các phụ huynh và ngành chức năng khi nhiều bạn trẻ xem “phượt” như một loại “ma túy” thử thách lòng can đảm và độ liều lĩnh của nhau.

“Phượt” trở thành trào lưu, đi để tỏ ra mình sành điệu và có chuyện để khoe khoang. Đoàn “phượt” vài chục người vượt đèo xuyên đêm, ngủ trên quốc lộ, xả rác đầy đường khiến người ta mỗi lần nhắc đến “phượt” đều thấy e dè, ái ngại.

Hàng loạt tai nạn thương tâm và gần đây nhất là trường hợp du khách nước ngoài tử nạn khi leo núi Fansipan một mình, chỉ có một chiếc điện thoại mà không đem theo bất cứ thiết bị gì khác- như một lời cảnh tỉnh cho những người trẻ xem thường mạng sống của mình.

“Có những con đường mà giày cao gót không thể đi đến, có những con người mà bạn sẽ chẳng bao giờ gặp ở những tòa nhà văn phòng”- có ai đó đã nói như vậy.

Khi còn trẻ hãy đi nhiều một chút, mọi cảnh sắc trong những chuyến du lịch bạn đều không mang theo được nhưng trải nghiệm và hồi ức thì mãi mãi chỉ của riêng bạn.

Có lẽ, “phượt” không phải là ngẫu hứng rủ nhau đi chơi. Các bạn trẻ cần có ý thức bảo vệ môi trường, biết lên kế hoạch rõ ràng, có đủ sức khỏe, trang bị kỹ năng cấp cứu, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống,… “Phượt” không khó nhưng “phượt” an toàn thì không phải ai cũng thực hiện được.

PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh