Qua thư bạn đọc, Báo Vĩnh Long nhận được phản ánh của ông Phan Văn Bé (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) về việc một số hộ dân địa phương tự ý rào lối đi, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Qua thư bạn đọc, Báo Vĩnh Long nhận được phản ánh của ông Phan Văn Bé (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) về việc một số hộ dân địa phương tự ý rào lối đi, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Lối đi dẫn trực tiếp ra đường công cộng bị người dân rào chắn ngang. |
Theo đơn phản ánh của ông Phan Văn Bé, năm 2014, khi tuyến đê bao chống lũ cặp sông Tiền (thuộc ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú) được hoàn thành thì các hộ có đầu đất bãi bồi giáp với đê bao tự mở lối đi ra ngoài đê bao, để lưu thông ra đường công cộng.
Trong khi con đường nằm phía trong đê bao- đã lưu thông mấy chục năm nay bị một số hộ dân rào chắn ngang, khiến việc đi lại của hộ bà Phan Thị Thanh Giang (con ông Bé) gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Bé cho rằng lối đi đang tranh chấp là đường công cộng, nên việc người dân rào chắn ngang là vô lý.
“Đường đi đã sử dụng mấy chục năm, giờ họ rào lại thì biết đi ở đâu, nhờ Nhà nước giải quyết cho chúng tôi lối đi vì ngoài con đường này, chúng tôi không còn lối đi nào khác”- ông Bé bức xúc.
Bà Phan Thị Thanh Giang cho biết: “Căn nhà, mấy công vườn bị kẹt ở phía trong nên đi lại rất khó khăn, nhất là vận chuyển vật tư, nông sản. Thương lái biết vậy nên ép giá, mấy đứa nhỏ phải sang nhà ngoại ở mới có đường đi học”.
Theo ghi nhận hiện nay, từ hộ bà Giang, để di chuyển ra đường công cộng phải đi qua lần lượt phần đất của ông Phan Văn Nhách và nhà bà Phan Thị Loan, nhưng bà Giang cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời vì lối đi này không thể phục vụ lâu dài.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Đồng Phú cho biết, lối đi đang tranh chấp trước đây là do các hộ tự mở để đi lại với nhau, trên bản đồ địa chính cũng không thể hiện là lối đi công cộng.
“Địa phương đã nhiều lần tổ chức hòa giải, vận động nhưng một số hộ kiên quyết không tháo dỡ rào. Nếu bà Giang thật sự không còn lối đi nào khác thì có thể khởi kiện ra tòa vì vụ việc này đã vượt thẩm quyền giải quyết của xã”- Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Nguyễn Thanh Tâm nói.
Được biết, trước đây- khi tuyến đê bao được đưa vào sử dụng, một số hộ dân cũng lâm vào tình cảnh “bít đường”, nhưng đến nay đã thỏa thuận được lối đi.
Điều 275 Bộ luật Dân sự quy định quyền về lối đi qua bất động sản (BĐS) liền kề như sau: 1. Chủ sở hữu BĐS bị vây bọc bởi các BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu BĐS liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS liền kề, nếu không có thỏa thuận khác. Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi. 2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. 3. Trong trường hợp BĐS được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 điều này mà không có đền bù. |
Bài, ảnh: PHẠM PHONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin