Trên địa bàn tỉnh, các bến đò, phà có vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Bên cạnh tiện ích rút ngắn quãng đường di chuyển, loại hình đưa rước khách này đang tồn tại một số bất cập. Trong đó có vấn đề cước phí.
Trên địa bàn tỉnh, các bến đò, phà có vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Bên cạnh tiện ích rút ngắn quãng đường di chuyển, loại hình đưa rước khách này đang tồn tại một số bất cập. Trong đó có vấn đề cước phí.
Bến phà An Phước. |
Phí qua phà cao
Hành khách qua lại sông Cổ Chiên bằng phà An Phước (từ xã An Phước, huyện Mang Thít- Vĩnh Long qua xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách- Bến Tre) phản ánh cước phí tại đây quá cao.
Cụ thể, ban ngày thu 2.000 đ/lượt người đi bộ, 11.000 đ/lượt xe máy 1 người, 13.000 đ/lượt xe máy 2 người, 60.000- 70.000 đ/lượt ôtô 4 chỗ.
Còn vào ban đêm, theo một người dân địa phương cho biết “muốn qua sông thì hành khách thỏa thuận giá với bến, giá không dưới 100.000đ mỗi chuyến”.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại bến phà An Phước, nhân viên thu phí tại đầu phà phía xã An Phước, mỗi chuyến vận chuyển hàng chục lượt người và phương tiện với cước phí như người dân phản ánh.
Sau khi trả 13.000đ cho nhân viên thu phí, anh T. (ở Vũng Liêm) cho biết đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối anh đi phà An Phước.
“Tôi với bạn gái ở Sài Gòn về chơi, định đi đường này cho gần, không ngờ phà thu phí cao quá, còn mất hơn nửa tiếng để chờ, trong khi bến phà không có nhà chờ, đường lên xuống thì nhấp nhô, nước đọng vũng”- anh T. bức xúc.
Dù phải trả phí khá cao, song hàng ngày bà con vẫn chọn cách sang sông bằng phà An Phước. Đi cùng chuyến phà, chị N. (ở Mang Thít) than: “Trước đây, phà này thu phí đâu có cao đến vậy, không hiểu sao giờ lại tăng chóng mặt. Nếu không đi thì phải chạy đường vòng rất mất thời gian”.
Đề cập đến vấn đề cước phí tại bến phà An Phước, ông Lê Hùng Dũng- Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Địa phương chỉ cho chủ bến thuê bãi để hoạt động đưa rước khách, còn việc bến này thu phí cao tôi cũng có nghe nói, nhưng ở xã không có thẩm quyền xem xét giải quyết”.
Ông Nguyễn Quang Khải- Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh cho biết: Về vấn đề cước phí đò, phà, hiện nay Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160/2015/NQ-HĐND- quy định mức thu đối với các khoản phí, lệ phí đã nêu rõ và tất cả các bến đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều phải thu theo đúng quy định này. Còn về việc phà An Phước thu phí cao, hiện chúng tôi chưa nhận được phản ánh từ người dân”.
Theo quy định trên, đối với xe máy 1 người: phí qua đò quy định lần lượt là 3.000 đ/lượt (cự ly vận chuyển dưới 500m), 4.000 đ/lượt (cự ly vận chuyển từ 500- 1.000m), trường hợp cự ly vận chuyển trên 1.000m thì tùy vào tình hình thực tế giao UBND các huyện- thị- thành quy định giá cước cho phù hợp nhưng không vượt quá 25% giá cước cự ly vận chuyển từ 500- 1.000m; phí qua phà là 3.000 đ/lượt”.
Niêm yết giá theo kiểu đối phó?
Bảng cước phí “di động” đôi khi lại được niêm yết dưới phà như thế này. |
Đối với hoạt động đưa rước khách sang sông thì việc niêm yết giá cước là một trong những quy định bắt buộc các bến phải tuân thủ.
Cụ thể, tại Điều 23 Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định bến khách không niêm yết giá vé theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ.
Không biết chủ bến phà An Phước có nắm rõ quy định này hay không khi ngày 13/9/2016, theo những gì chúng tôi ghi nhận được tại bến phà An Phước, 2 đầu phà đều không niêm yết cước phí, chỉ niêm yết dưới phà cùng với nội quy “Phà hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, ngoài giờ trên được thu cước phí”.
Theo bảng niêm yết giá, cước phí đối với xe máy là 10.000 đ/lượt nhưng thực tế lại thu 11.000 đ/lượt xe máy 1 người, còn cước phí dành cho ôtô thì không niêm yết nhưng lại vận chuyển loại xe này qua sông.
“Tôi thấy niêm yết bảng giá dưới phà là không hợp lý, sao không niêm yết tại nơi thu tiền để người dân có thể đối chiếu”- một hành khách cho biết.
Đến ngày 4/10/2016, chúng tôi tiếp tục đến bến phà An Phước xác minh thì lần này trên và dưới phà đều không niêm yết công khai cước phí. Có lẽ việc niêm yết giá tại đây chỉ mang hình thức đối phó lực lượng chức năng.
Bàn về việc quản lý các bến thủy nội địa, ông Nguyễn Quang Khải cho biết khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh có rất nhiều bến đò, phà hoạt động.
Lực lượng thanh tra của Sở Giao thông- Vận tải không thể có mặt cùng lúc tại tất cả các bến để kiểm tra xử phạt. Việc này chỉ có địa phương mới quản lý chặt chẽ, nếu phát hiện các bến sai phạm thì hoàn toàn có quyền xử phạt theo quy định.
Chưa nói đến chuyện thu như thế nào là đúng quy định, việc bến phà An Phước thu phí cao và không niêm yết cước phí đã khiến người dân bức xúc.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc thu phí tại các bến đò, phà, tránh tình trạng thu quá mức quy định, gây bức xúc trong dư luận.
Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tại Điều 34 quy định Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại nghị định này- trong đó có việc không niêm yết giá cước theo quy định. |
Bài, ảnh: PHẠM TẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin